Thúy Ngô
3 mẹo đơn giản để xây dựng thói quen đọc sách
Hầu hết mọi người đều biết đọc sách mang lại rất nhiều lợi ích, cả trong công việc lẫn đời sống. Xây dựng thói quen đọc có thể không giúp bạn thành tỷ phú nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Việc đọc sách đang dần bị thay thế bởi thói quen dùng điện thoại, mạng xã hội và những thứ gây xao nhãng khác. Không sao, nếu bạn muốn tạo thói quen đọc sách, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Dưới đây là những mẹo đơn giản nhưng hữu ích giúp bạn hình thành thói quen đọc lành mạnh.
Điểm danh lý do chúng ta thất bại trong việc tạo thói quen đọc sách?
Chọn sách không phù hợp
Một ngày đẹp trời, bạn háo hức muốn hình thành thói quen đọc sách. Bạn chọn một trong những cuốn sách bán chạy nhất nhưng chỉ sau vài trang, bạn bỗng thấy “tụt mood”. Bạn sẽ nghĩ "Nếu tôi không thích những cuốn sách nổi tiếng này, thì làm sao tôi thích những cuốn khác?" và niềm vui đọc sách chấm dứt tại đó.
Bản thân mình từng được thu hút bởi hàng loạt sách “đình đám”, kết quả là có những quyển mình không thể nào “nhai” nổi. Vì tiếc, mình cũng cố đọc cho xong nhưng đó không phải là cách hay. Sau này mình nhận ra đó là một sự lãng phí thời gian và tâm trí, cả niềm vui đọc nữa. Và bạn biết không? Không phải vì một quyển sách nổi tiếng mà bạn sẽ yêu thích nó, nhất là khi bạn chưa có thói quen đọc sách.
Đọc không đều đặn
Thử tưởng tượng bạn chọn đọc một quyển sách nhưng chỉ đọc vài hôm rồi dừng, và bắt đầu đọc lại sau vài tuần. Lúc đó, bạn không chỉ quên những gì mình đã đọc mà kẻ hoài nghi trong bạn còn kiếm cớ để không tiếp tục đọc.
Những lý luận kiểu như “Tôi đã đọc quyển sách này quá lâu, tôi không thể hoàn thành được nó.” sẽ khiến bạn chán nản và bỏ cuộc. Nên nhớ, khoảng cách giữa các lần đọc càng nhiều, bạn càng cảm thấy khó đọc lại.
Chỉ đọc sách một mình
Đọc sách là một cách phù hợp để thư giãn và tiếp thu kiến thức, tự chill một mình. Những người thích đọc thường cần yên tĩnh để có thể đọc thỏa thích. Nhưng đó là khi bạn đã quen với việc đọc.
Đừng bao giờ cố gắng hình thành thói quen mới một mình. Chúng ta không hoàn hảo và đến một lúc nào đó, sự nghi ngờ, tự mãn và lười biếng sẽ len lỏi vào ngăn cản bạn. Và trong những thời điểm đó, một người bạn đồng hành để động viên nhau, tiếp thêm động lực sẽ là cứu cánh tốt nhất của bạn.
Mẹo xây dựng thói quen đọc sách
Bắt đầu với chủ đề bạn yêu thích
Nếu bạn chọn cuốn sách “best seller” để bắt đầu rèn thói quen đọc sách, nhiều khả năng bạn đọc chưa đến 50 trang vì nó không phù hợp với phong cách và nhu cầu của bạn. Bạn không những hoài nghi về quyển sách mà còn mất dần cảm hứng đọc sách.
Thay vào đó, hãy chọn một cuốn sách với chủ đề bạn thích. Nếu bạn thích tâm lý học, hãy chọn một cuốn sách có chủ đề mà bạn thích. Nếu bạn thích khoa học, hãy chọn một cuốn sách khiến bạn hứng thú. Nếu bạn thích văn học, hãy thử một quyển tiểu thuyết lôi cuốn bạn... Nếu bạn chọn một cuốn sách mà bạn cảm thấy sự liên quan, bạn sẽ lướt qua từng trang một cách hào hứng.
Đăng ký tham gia Thử thách đọc sách
Một thử thách đọc sách sẽ hóa giải được hầu hết những vấn đề đang cản trở bạn. Tất cả những gì bạn cần làm là chọn quyển sách mình ưng nhất, đăng ký tham gia thử thách và cập nhật tình hình đọc sách của mình. Việc đăng ký tham gia chính là lời cam kết rằng bạn sẽ cố gắng dành thời gian đọc đều đặn mỗi ngày dù ít ỏi, đó chính là tín hiệu đáng mừng cho hành trình đọc của bạn.
Bạn yên tâm rằng ban tổ chức sẽ thường xuyên lên tinh thần để bạn có thêm động lực đọc. Và đặc biệt, khi tham gia thử thách đọc, bạn sẽ không cô đơn. Sức mạnh cộng hưởng từ các thành viên tham gia sẽ giúp bạn vượt qua sự chán nản, lười biếng, bận rộn,... để duy trì việc đọc tốt hơn. Biết đâu bạn không chỉ được tăng dopamine mỗi khi hoàn thành một quyển sách mà còn nhận được phần thưởng bất ngờ từ ban tổ chức.
Khi Phụ Nữ Đọc từng có Thử thách 30 ngày đọc sách với 63 thành viên tham gia. Trong đó có 35 thành viên tham gia đọc đến ngày cuối cùng và hoàn thành những quyển sách đăng ký. Dấu ấn của thử thách là các thành viên tham gia đều công nhận thử thách giúp mọi người đọc sách đều đặn hơn, có cảm hứng hơn, từ đó góp phần hình thành được thói quen đọc của mình.
Thử các định dạng khác nhau (như sách điện tử và sách nói)
Ngoài sách giấy, bạn nên thử đọc cả sách điện tử lẫn nghe sách nói - bất kỳ cách nào bạn muốn. Và nếu bạn thử nghiệm các định dạng khác nhau, bạn có thể tìm ra cách tốt nhất để đọc hiệu quả.
Nhiều bạn thích đọc sách giấy, vì chỉ như thế mới có thể chạm vào sách, nghe âm thanh lật sách và ngửi mùi giấy. Cái cảm giác mộc mạc nhưng lại gây nghiện với rất nhiều người. Dẫu vậy, bạn cũng không cần đọc sách giấy hoàn toàn.
Bạn có thể đọc sách điện tử, chúng đã trở nên rất phổ biến và rẻ hơn sách giấy. Với sách điện tử, bạn có thể dễ dàng ghi chú trong sách và thuận lợi tìm kiếm sau đó. Sách điện tử không thích hợp để đọc trước khi ngủ vì ánh sáng xanh sẽ làm bạn khó ngủ. Tuy nhiên, thay vì bạn lướt Internet và nạp vào đủ loại thông tin nhiều khi chẳng có chủ đích thì đọc sách có vẻ là một lựa chọn tối ưu hơn.
Sách nói cũng dần phổ biến gần đây, thường được đọc bởi những giọng đọc truyền cảm, cuốn hút. Bạn có thể xem như đang nghe podcast vậy. Đặc biệt, bạn có thể tiết kiệm thời gian khi vừa nghe sách vừa làm việc nhà, nấu ăn hay đi dạo, tập thể dục…
"Có được thói quen đọc sách là xây dựng được cho mình một nơi ẩn náu khỏi hầu hết mọi khó khăn của cuộc sống." - W. Somerset Maugham
Học cách phát triển thói quen đọc sách là cả một quá trình, cần sự đầu tư lớn về thời gian. Với một số người có thể là vài tuần, nhưng cũng có thể lâu hơn đối với người khác. Mất bao lâu để hình thành thói quen không phải là điều thực sự quan trọng. Điều quan trọng là ý chí để bắt đầu, cam kết thực hiện từng bước nhỏ, để đến một lúc đọc sách trở thành một phần cuộc sống của bạn. Đọc không chỉ để giỏi hơn, thông thái hơn, mà đọc để tận hưởng giây phút thư thái, để tâm trí đắm chìm trong cuốn sách và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.