Hòa Lương
9 mẹo đọc sách hiệu quả
Updated: Aug 30, 2022
Bạn ngại đọc sách vì tốc độ đọc không nhanh? Bạn thường phải đọc lại vài lần do không thể nhớ hết nội dung sau một lần đọc? Bạn cần một phương pháp giúp đọc nhanh và nhớ lâu hơn? Khi phụ nữ đọc xin chia sẻ với bạn 9 mẹo đọc sách hiệu quả.

Ảnh: Joel Muniz on Unsplash
1. Xác định thời gian đọc
Bạn nên xác định thời gian nào dùng để đọc sách, đừng quá tùy hứng. Vì sự tùy hứng rất cảm tính nên thường không đều đặn nên bạn dễ bỏ dở.
Việc lặp đi lặp lại một hành động nào đó trong 21 ngày sẽ hình thành thói quen. Đọc sách cũng vậy. Khi thành thói quen, não bộ đã lập trình tự động mệnh lệnh cho cơ thể rằng đến giờ đó cần phải đọc sách. Công tắc cảm biến này thúc đẩy bạn tìm sách để đọc. Đọc sách vào thời gian cố định như vậy cũng giúp bạn tập trung hơn và việc đọc hiệu quả hơn.
Một số thời gian được các nhà nghiên cứu kiến nghị phù hợp để đọc sách là từ 8-9 giờ sáng, 2-6 giờ chiều và 9-10 giờ đêm. Tất nhiên đây chỉ là thời gian được đưa ra dựa trên khảo sát ở một nhóm đối tượng, không phải cho tất cả. Hãy tự chọn cho mình một thời gian thích hợp trong ngày để đọc sách. Hoặc nếu không thể sắp xếp được thì bạn vẫn có thể linh hoạt chọn thời gian đọc cho mình.
2. Đọc có mục đích
Bạn thường đọc sách để làm gì?
Thường chúng ta đọc sách với hai mục đích chính là giải trí hoặc nâng cao hiểu biết. Cũng có khi ta đạt được cả hai giá trị trong cùng một cuốn sách.
Vậy nên bạn cần xác định đọc sách để làm gì để chọn ra thể loại sách nào phù hợp nhất. Bạn sẽ tận dụng tối đa thời gian bằng cách đọc cuốn sách cần đọc thay vì đọc một cuốn sách bất kì không mục đích. Ta đều biết rằng đọc sách để giải trí khác xa đọc để tri nhận kiến thức, đọc về dinh dưỡng khác với đọc truyện hư cấu…
3. Tìm hiểu trước
Đọc trước về tác giả hoặc vấn đề chính trong cuốn sách giúp việc đọc dễ dàng hơn rất nhiều. Sau khi tìm hiểu, bạn sẽ nắm được sơ lược khả năng, lĩnh vực, quan điểm… của người viết. Bạn cũng hình dung được nội dung của cuốn sách. Do đó việc đọc dễ hơn nên cũng tăng tốc độ đọc.
Ví dụ: Trước khi đọc "Con đường trở thành Freelance Writer", bạn tìm hiểu về tác giả Linh Phan và chủ đề của cuốn sách. Như vậy, bạn biết tác giả là ai, làm công việc gì, sách của chị có đáng tin cậy không, sách viết về gì, có hợp với bạn không, có giúp được gì bạn không…
4. Dự đoán nội dung
Thường tựa đề của một cuốn sách sẽ phần nào thể hiện nội dung. Khi đọc tên cuốn sách, người đọc sẽ có những phán đoán ban đầu về chủ đề của nó. Sẽ có lúc bạn đoán đúng nhưng cũng không trừ trường hợp đoán sai. Điều nay đôi khi mang lại cho bạn những trải nghiệm bất ngờ hoặc thích thú.
Ví dụ khi đọc tên sách "Viết đi đừng sợ" hẳn bạn sẽ liên hệ ngay nội dung cuốn sách sẽ là về chuyện viết lách. Nhưng nếu đọc "Khi hơi thở hóa thinh không" thì không phải ai cũng đoán đúng được nội dung của nó.

Ảnh: Siora Photography on Unsplash
5. Xác định nội dung chính
Bạn nên đọc trước các phần phụ đề, mục lục, giới thiệu, kết luận để thấy cách dẫn dắt nội dung, các luận điểm và tinh thần của cuốn sách.
Mục lục chính là bản tóm tắt của cuốn sách. Phần giới thiệu mở đầu cũng cung cấp thông tin chung về cuốn sách.
Đọc trước các phần phụ giúp bạn xác định được cuốn sách có phù hợp với mục đích đọc của mình hay không. Đồng thời hình thành nhận thức ban đầu về nó. Nhờ đó việc đọc giống như bánh răng được bôi trơn sẽ vận hành suôn sẻ hơn.
6. Đặt câu hỏi
Đây là cách để bạn thật sự hiểu một cuốn sách. Bạn có thể tự ghi câu hỏi sau khi đọc nhan đề, các phụ mục hoặc sau khi đọc xong sách. Câu trả lời có thể nằm trong cuốn sách đó hoặc bạn phải tự đi tìm thêm ở nơi khác. Hỏi và trả lời giúp bạn hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
Trong cuốn "Con đường trở thành Freelance Writer" của tác giả Linh Phan có thiết kế khoảng trống bên lề để người đọc ghi chú lại những bài học, cảm nhận, câu hỏi của mình… Bạn sẽ có thể vừa đọc vừa tư duy cùng với cuốn sách.
7. Suy luận
Suy luận và đối chiếu trong quá trình đọc sách giúp bạn rèn luyện cho não. Suy luận sai cũng không sao vì khi tìm đáp án, bạn sẽ nhớ nội dung thêm lần nữa.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng người đọc cần chủ động, vừa đọc vừa ngẫm để giúp nhận thức những phần ý nghĩa chưa rõ ràng của văn bản. Từ đó, bạn biết cách sử dụng các phương pháp nhằm giải quyết việc đọc hiểu hoặc tăng mức độ đọc hiểu. (Theo "Duffy và đồng sự", 1987).
Bạn nên vận dụng kiến thức sẵn có của mình và thông tin từ văn bản để đưa ra đánh giá chủ quan, hình thành thói quen tự tư duy.
8. Hình dung
Mường tượng trong đầu bạn những điều tác giả viết là một cách đọc hiệu quả. Vì hình ảnh tác động tới con người nhanh hơn chữ. Đó là tại sao người đọc vẫn có thể hiểu được các tác phẩm hư cấu, kì ảo. Bởi khả năng tưởng tượng của con người là vô hạn.
Bạn cũng có thể mô hình hóa nội dung cuốn sách. Bạn nên ghi hoặc vẽ chúng ra giấy hoặc phần ghi chú theo dạng sơ đồ tư duy (mindmap). Việc này giúp bạn hệ thống hóa các thông tin đã tiếp nhận. Từ đó nhớ lâu hơn.
9. Ghi chú
Bạn sẽ không thể nhớ hết tất cả thông tin trong một cuốn sách hoặc cảm xúc khi đọc sau một thời gian. Ghi chú là phương pháp cần thiết để lưu giữ những đánh giá, ấn tượng, bài học từ cuốn sách. Bạn có thể hightlight hoặc gạch chân, ghi lại trên sách. Hoặc ghi ra một cuốn sổ, ghi vào máy để xem lại khi cần.
Bạn không thể chắc rằng 1 tháng hay 1 năm sau bạn vẫn còn nhớ được hết mọi điều thú vị trong cuốn sách đang đọc phải không nào?
Đây là một số cách giúp bạn đọc nhanh và nhớ lâu hơn. Bạn còn mẹo nào nữa không? Chia sẻ với cộng đồng Khi phụ nữ đọc nhé?