top of page
  • Writer's pictureThuy Trang

Bạn đã đọc sách triết lý tâm linh đúng cách?

Updated: Aug 30, 2022

Bạn muốn tìm hiểu về chữa lành. Bạn lựa những cuốn sách best-seller mọi thời đại của Osho, Eckhart Tolle, Joe Vitale, Thích Nhất Hạnh,... nhưng bạn ngáp ngắn ngáp dài từ những trang đầu tiên. Bởi chúng có quá nhiều từ triết học, câu văn lại phức tạp, dù đọc tới đọc lui vẫn không hiểu chúng muốn nói về điều gì. Thế là, cuốn sách với những thông điệp quý giá cứ thế đóng bụi trên kệ sách của bạn.


Nếu được hướng dẫn cách để đọc trơn tru các cuốn sách đó, bạn có cho chúng cơ hội được mở ra một lần nữa?


Dưới đây là 7 kinh nghiệm tôi đã đúc rút trong quá trình phủi bụi các đầu sách tâm linh và nghiền ngẫm lại từ đầu. Với những kinh nghiệm này, tôi tin rằng không còn cuốn sách cao siêu, phức tạp nào có thể làm khó được bạn nữa.




1. Đừng tập trung vào từ vựng


Dòng sách Đạo và Triết nổi tiếng với những từ ngữ hàn lâm, khó hiểu. Không chỉ thế, chúng còn xuất hiện hàng loạt ở đầu sách, khiến người đọc hoang mang, khó hiểu, ngán ngẩm. Tuy nhiên, việc gì cũng đều có lí do của nó. Các tác giả sách đã "cố ý" giới thiệu chúng ở đầu sách để tạo tiền đề cho việc khai triển ý trong phần tiếp theo. Chúng là những chủ đề trọng điểm và sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt cuốn sách. Đồng thời, chúng cũng sẽ được giải thích, phân tích, nêu ví dụ trong những trang sau.


Người đọc có thói quen tập trung làm rõ các từ ngữ khó hiểu bằng cách - đọc lại nhiều lần chương đầu để tìm các định nghĩa, thậm chí còn tra từ điển hiểu rõ nhất. Mới chương đầu mà đã "vất vả" như thế, ai mà không dễ nản lòng. Thế nhưng, bạn không cần phải "tốn công" đến thế. Hãy bỏ qua chúng và đọc các chương tiếp theo. Bạn sẽ sớm tìm thấy ý nghĩa sâu nhất của những từ vựng đó. Hãy tưởng tượng cuốn sách như một bức tranh ghép puzzle. Nhìn một mảnh ghép nhỏ, bạn không thể biết nó thuộc bức tranh nào, nhưng khi nhìn một bức tranh đã ghép xong, bạn sẽ hiểu trên mảnh ghép đó vẽ chi tiết nào. Sách Đạo và Triết có cùng nguyên tắc như thế.


2. Đọc nhưng đừng suy nghĩ


Dòng sách Đạo và Triết không phải để khai mở tư duy của bạn mà để khai mở trái tim bạn. Chúng giúp bạn tìm đến bình yên, hướng bạn đến cảm xúc đang tồn tại bên trong. Vì thế, sử dụng trí óc khi đọc sách là một phương pháp sai lầm.


Điều duy nhất bạn cần làm là giữ suy nghĩ của mình tĩnh lại, chỉ tập trung vào việc đọc, để đôi mắt lướt qua các con chữ mà không đánh giá, phân tích, hay cố gắng ghi nhớ nội dung cuốn sách. Lúc đó bạn sẽ kết nối được với bên trong, an nhiên đọc sách và hiểu được một cách rõ ràng điều mà cuốn sách đang nói về.


3. Hãy xác định mục đích đọc sách


Có nhiều lí do để bạn tìm đến một cuốn sách, ví dụ như: làm nghiên cứu, thu thập kiến thức, phát triển kĩ năng, chữa lành... Và mỗi mục đích lại cần một cách đọc khác nhau. Nếu bạn đọc để tìm kiếm kiến thức và thông tin, hãy đọc lướt và gạch chân các ý chính. Nếu bạn đọc để chữa lành, hãy đọc chậm và ngẫm.


Không phải ngẫm trong lúc đọc, mà là sau khi đọc. Sau khi tiếp nhận được một thông tin hữu ích, bạn hãy dừng việc đọc lại, soi chiếu với những vấn đề của bản thân, rất có thể bạn sẽ sáng tỏ được điều gì đó. Đây chính là cách đọc để chữa lành mà người ta hay nhắc đến. Thậm chí khi bạn đọc những dòng sách khác, việc đọc chậm và quy chiếu vào thực tiễn cũng sẽ giúp bạn hiểu vấn đề nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn.


4. Tập trung vào nhu cầu của bản thân thay vì đánh giá cuốn sách


Cuốn sách hay hay dở, tùy thuộc vào cách bạn tiếp nhận nó. Không phải cuốn sách hay nào cũng có thông tin phù hợp với nhu cầu và quan điểm của bạn, và ngược lại. Ví dụ, một bạn đọc cuốn "Luật Hấp Dẫn" của Esther và Jerry Hicks, cảm thấy cách 2 tác giả nói về thuật nhập thể nghe thật "hoang đường" và "mê tín dị đoan". Nhưng bạn ấy lại cảm thấy phương pháp - liệt kê các điều bạn mong sẽ nhận được và lí do bạn xứng đáng nhận được chúng được nên lên trong sách, lại thực tế, đầy tính "logic" và khoa học.


Vì thế, hãy chấp nhận một vài quan điểm của tác giả không hợp với mình trong sự tôn trọng. Bạn có thể lướt qua những quan điểm đó và đến với những quan điểm mới. Đọc cuốn sách với một "cái đầu mở" sẽ giúp bạn tìm kiếm được nhiều điều hay ho, đừng trói buộc quan điểm của tác giả cùng những quan điểm của mình.


5. Tập thói quen ghi chú


Điều tôi yêu thích của cuốn "Con đường trở thành Freelance Writer" của tác giả Linh Phan đó là sách chừa chỗ để ghi chú. Đọc để hiểu, ghi để nhớ. Hành động này không chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn mà còn giúp bạn lưu lại những kỉ niệm đẹp với cuốn sách. Tin tôi đi, những cuốn sách chi chít những câu chú thích do bạn tự ghi giá trị hơn nhiều những cuốn sách sạch như mới, ngay ngắn và thẳng thớm.


6. Đọc sách là sở thích, không phải là nhiệm vụ


Có nhiều bạn đặt ra kế hoạch mỗi ngày sẽ đọc hết 50 hay 100 trang sách với hi vọng có thể hoàn thành được 1 lượng sách nhất định, tiếp thu được nhiều kiến thức và rèn luyện thói quen đọc sách. Thế nhưng khả năng tập trung và tiếp thu của mỗi người là khác nhau, có người đọc được 50 trang một lần nhưng có người chỉ đọc được 40 trang là bắt đầu mất tập trung.


Bạn nên đọc sách theo khả năng của mình hơn là nhìn người khác và làm theo. Đọc sách nên là một sở thích được thực hiện đều đặn hơn là một nhiệm vụ với các chỉ tiêu được đặt ra.


7. Đọc vì số lượng thì đọc một lần, đọc vì chất lượng nên đọc nhiều lần


"Reading is sowing, rereading is the harvest." Khi đọc sách, bạn gieo hạt. Khi lượt thêm một lần nữa, bạn bội thu. - Johnny Uzan-

Tôi tin chúng ta đều biết - không thể ghi nhớ toàn bộ cuốn sách trong một lần đọc. Có những chi tiết sẽ bị bỏ qua vì chúng không phù hợp với nhu cầu của chúng ta lúc đó, hoặc vì đơn giản là chúng ta không tập trung vào việc đọc. Chính vì thế, để có thể khai thác được toàn bộ giá trị của cuốn sách, hãy đọc nhiều lần.


Cách khoa học nhất đó là đọc lướt vào lần đầu tiên và đọc kĩ vào những lần tiếp theo. Như ví dụ ngắm tranh tôi nêu ở kinh nghiệm đầu tiên, chúng ta cần biết bức tranh toàn cảnh trước khi tập trung vào chi tiết. Nếu cảm thấy đọc đi đọc lại cuốn sách liên tục 2 lần là mất thời gian, bạn hoàn toàn có thể quay lại với cuốn sách khi đã có nhiều trải nghiệm hơn, tư duy thay đổi. Việc này sẽ giúp bạn tìm thấy những ý nghĩa khác mà những lần đọc trước đó bạn không nhận ra.


Thùy Trang



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thùy Trang và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

6 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page