Hòa Lương
Bầu trời của Nắng
Updated: Aug 30, 2022
Bầu trời của Nắng là cuốn sách về một tai nạn đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một thanh niên. Vượt lên nghịch cảnh, người thanh niên ấy vẫn sống nhiệt thành nhờ tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ.

Tên sách: Bầu trời của Nắng
Tác giả: Trần Văn Dậu (Nắng)
Giá bìa: 56.000 đồng
Nhà xuất bản: Phụ nữ Việt Nam
Nội dung tóm tắt: Trong cuốn hồi ký của mình, Nắng kể lại quãng thời gian từ khi bị tai nạn tới thời điểm viết sách. Đó là những ngày tuyệt vọng và hy vọng đan xen, những ngày dài lê thê trong tâm trạng của người bị liệt và trong tình yêu thương không đong đếm được của ba mẹ dành cho Nắng.
Bạn sẽ làm gì nếu một ngày bị liệt tứ chi? Đó là câu hỏi luẩn quẩn trong đầu tôi sau khi đọc xong cuốn hồi ký Bầu trời của Nắng. Tác giả cuốn sách là Trần Văn Dậu, người thành lập Tủ sách Nam Cao. Anh còn được biết tới với tên Nắng, từng là thầu xây dựng cho tới khi bị liệt tứ chi do một tai nạn giao thông.
Bạn sẽ làm gì nếu đầu óc tỉnh táo nhưng cơ thể không cảm nhận được gì và thần kinh không điều khiển được các hoạt động?
Tôi chắc rằng bạn sẽ phát điên, ít nhất là trong suy nghĩ. Nắng cũng vậy. Dù anh kể lại câu chuyện với giọng thản nhiên, tôi vẫn nhận ra nỗi bẽ bàng, bất lực. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Nắng trải qua hơn bốn tháng trời chuyển từ bệnh viện tỉnh tới bệnh viện trung ương. Cuối cùng, anh bị bệnh viện Bạch Mai trả về sau hơn ba tháng nằm viện điều trị không tiến triển.
Cuốn hồi ký của Nắng dạy cho tôi nhiều bài học quý giá
Trước tiên là yêu thương và trân trọng sức khoẻ của mình
Chúng ta vẫn nghĩ mình rất ổn cho tới khi chẳng còn mong cầu nào khác hơn ngoài khỏe mạnh. Nắng không tin vào thần thánh nhưng khi tuyệt vọng nhất, anh chỉ biết khấn nguyện ơn trên cho mình được khỏe lại. Càng đau khổ khi thần trí anh tỉnh táo còn cơ thể gần như thực vật. Anh nhìn thấy, nghe được, hiểu thấu. Nhưng tay anh không nhúc nhích, chân anh không cử động. Ngay cả chuyện vệ sinh cũng không tự chủ. Nhìn ba mẹ già đêm hôm lọ mọ chăm con rồi đi làm thêm nặng nhọc, Nắng chỉ còn một ước muốn lớn nhất trong đời là hết bệnh. Vậy mới biết, không có sức khoẻ thì mong cầu khó mà thực hiện được.
Cuốn sách còn dạy tôi về chữ "sống"
Nắng đã thốt ra với người bố chưa từng sử dụng điện thoại cảm ứng đang cố giúp anh tìm kiếm về tổn thương tủy sống rằng: "Sống mà phải nằm một chỗ không làm được cái gì mãi thế này rồi thế nào con cũng chết thôi. Giá mà con có thể chết ngay đi được". Bố anh nói: "Ai rồi cũng chết thôi con ạ. Nhưng sự sống và cái chết không phải mình quyết định mà được. Thượng đế nếu muốn mình sống thì chắc chắn là mình chưa thể chết, mà chưa thể chết thì phải sống thôi con. Cố gắng lên con!"
Câu nói nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tôi thấy ở đó cả lời động viên, tình yêu thương và sự từng trải, biết chấp nhận để không ngừng cố gắng. Bố của Nắng chắc lẽ cũng giống nhiều bậc cha mẹ khác. Họ không quen thổ lộ, không than thở quá nhiều về nỗi vất vả. Họ chấp nhận những gì cuộc đời đưa đến dưới cái tên "định mệnh". Họ lầm lũi sống, kiên gan sống. Sống thôi rồi mọi chuyện tự khắc sẽ qua.
Chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều chuyện không như ý trong đời. Nhiều khi ta thấy mình xui xẻo, thấy cuộc đời bất công. Cho tới lúc biết những người ngặt nghèo hơn, ta sẽ hiểu ra mình may mắn chừng nào. Tôi chắc rằng nhiều người, trong đó có tôi, sẽ cảm thấy biết ơn vì những gì mình đang có. Biết ơn vì vẫn còn khỏe mạnh để thi thoảng đau ốm, vẫn được đi làm để kêu than vất vả, vẫn bon chen với đời để nhiều lần rệu rã, vẫn có ba mẹ cạnh bên mà la mà rầy. Chúng ta khao khát được nhiều và nhiều hơn mà quên mất những gì mình có. Ta sống không phải để mỗi phút giây trôi qua ý nghĩa mà cố rượt đuổi theo đủ thứ bên ngoài.
Bầu trời của Nắng cũng dạy tôi về chữ hiếu, về sợi dây nói các thành viên trong gia đình
"Cá chuối đắm đuối vì con" – tôi đã nghĩ vậy về ba mẹ của Nắng. Họ dành tất cả thời gian, tiền bạc, tình thương để bên cạnh chăm sóc và tìm mọi cách cho anh khỏe lại. Họ rửa ráy, thuốc thang, cơm cháo cho tới tập vật lý trị liệu. Mẹ anh cứ hai tiếng một lần lại trở người cho anh không lở loét. Bà còn vất vả đặt anh từ giường xuống xe lăn mỗi lần đi tập trị liệu hay đi dạo. Bố anh làm bốc vác ở xưởng nhuộm từ sáng tới đêm. Có bệnh thì vái tứ phương, ba mẹ Nắng không ngoại lệ. Họ chạy vạy lo tiền nong tìm bác sĩ khắp nơi… Mọi thứ có thể làm họ đều đã làm.
Tôi nhớ mãi khi Nắng kể lại ba mẹ anh từng quan tâm nhau thế nào. Rồi vì anh, vì căn bệnh của anh, mọi tình yêu thương họ dồn cho anh cả. Họ lơ là với bản thân và quên cả yêu nhau. Chỉ cần liên quan tới anh, họ khăng khăng làm điều mình cho là tốt nhất. Phải đến lúc anh thét lên "Tại con mà bố mẹ trở nên cãi vả nhau như này sao?" thì bố mẹ anh mới dừng lại. Và Nắng, người nhận nhiều thương yêu nhất, trở thành cầu nối để bố mẹ học lại cách thương bản thân, thương người đầu ấp tay gối ba chục năm qua. Thế mới biết, đứa con là sợi dây liên kết linh thiêng giữa cha mẹ.
Cuối sách, Nắng có nhắn nhủ mọi người "nếu hôm nay bạn còn có thể làm được điều gì đó cho bố mẹ vui lòng thì bạn ơi hãy làm ngay đi. Bởi biết đâu sự vô thường trong cuộc sống đang tâm để chữ Hiếu dang dở với những ân hận và nuối tiếc."
Tôi không mong ai rơi vào hoàn cảnh như Nắng. Nhưng lúc nào đó trong cuộc sống bộn bề, bạn thử tưởng tượng xem nếu một ngày bị liệt tứ chi thì bạn sẽ muốn làm gì nhất, tiếc nuối gì nhất. Nghĩ để biết đâu là điều quan trọng, người quan trọng mà dành thời gian, mà dồn tâm huyết.