Hòa Lương
Bí mật về mẹ
Updated: Aug 30, 2022
Bí mật về mẹ là cuốn sách thay con kể câu chuyện về mẹ. Khi âm thanh không cất nên lời thì câu chữ sẽ làm sứ mệnh tỏ bày yêu thương.

Tên sách: Bí mật về mẹ
Tác giả: Nhiều tác giả
Giá bìa: 82.000 đồng
Nhà xuất bản: Phụ Nữ Việt Nam
Nội dung tóm tắt: Cuốn sách là tuyển tập gồm 27 tác phẩm được chọn ra từ cuộc thì Viết về người phụ nữ của tôi do cộng đồng Viết phát động. Các bài viết trong sách được lọc ra từ hơn 400 bài dự thi. Phần đa các tác phẩm viết về mẹ, số ít còn lại viết về chị, về bà. Họ đều là những người phụ nữ gắn bó và có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời mỗi tác giả.
Những bí mật đầy mâu thuẫn về mẹ được bật mí trong cuốn sách
Mẹ là người thương ta nhất nhưng có khi lại là người ta ghét nhất
Có bao giờ trong lòng bạn rất thương mẹ nhưng hễ hai người nói chuyện với nhau chỉ toàn là tranh cãi không? Trong bài viết Tất cả chỉ là quá khứ, Vũ Quỳnh Anh kể lại những kỉ niệm và cảm xúc của cô với mẹ. Suốt quãng đường trưởng thành của mình, cô gần như sống trong những ngày tự kỷ một mình, xa lánh với mẹ và dượng.
Từ khi còn là cô bé tới lúc trưởng thành, Quỳnh Anh luôn nhìn vào những vô tâm và lỗi lầm mà người mẹ vô tình gây ra cho cô. Chưa một lần nào cô gái ấy thử đặt mình vào vị trí của mẹ để nghĩ suy. Cũng bởi vì tổn thương trong lòng cô quá lớn, những tủi hờn và cảm giác không được yêu thương quá lớn khiến cô chỉ biết trách móc mà quên mất cách nghĩ cho mẹ, cách yêu thương. Mãi cho tới khi mẹ cô hỏi vì sao mỗi lần cô bệnh mẹ cô đều là người chăm sóc vậy mà cô vẫn không ngừng oán trách mẹ. Khi đó cô mới ngẫm lại những điều mẹ đã dành cho cô, những áp lực và tủi hờn mẹ nín nhịn để cô có một cuộc đời khác mẹ.
Cho dù là con hay là mẹ, ai cũng đều khao khát tình yêu thương. Áp lực cuộc sống, các mối quan hệ đè lên đôi vai và cả cái tôi của mỗi người dễ khiến chúng ta quên mất nghĩ cho người khác. Dù người ấy có là máu mủ ruột già. Không chỉ Quỳnh Anh, tin rằng đâu đó trong chúng ta cũng từng đôi lần giận mẹ, trách mẹ mà quên mất mẹ đã làm gì cho ta. Ta thấy cuộc đời đặt lên mình áp lực mà quên mất mẹ càng áp lực hơn khi vừa phải làm con, làm vợ, làm mẹ vừa phải kiếm tiền kiêm quán xuyến nhà cửa. Thế nên hãy để tâm đến mẹ để biết cư xử với mẹ sao cho phải và để thấy sau những vô tâm của mẹ là gì.
Mẹ keo kiệt không mua cho bản thân tấm áo nhưng bán hết tất cả để ta được tươm tất đến trường
Ở hầu hết các câu chuyện trong Bí mật về mẹ, người phụ nữ, dù là chị, là bà, là mẹ, đều có chung những nét tính cách như chịu đựng, hi sinh, tần tảo. Nhiều người nói rằng đấy là lối sống mà họ tự lựa chọn, là vì họ không biết sống cho bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là cách ứng xử cơ bản và phổ biến của những người phụ nữ thế hệ trước. Họ khó lòng vượt qua được tình cảnh chung của xã hội để sống cho bản thân. Huống hồ gì, hàng tỉ người mẹ ngoài kia, có bao nhiêu người không hết lòng vì đứa con của mình? Đã là sinh linh từ cuống rốn mẹ lớn lên, là giọt máu nhỏ ấp trong lòng mẹ mà lớn thì dễ dầu gì mẹ không thương?
Trong nhiều câu chuyện được viết, các tác giả hồi tưởng lại người mẹ tảo tần của mình. Người mấy năm trời không mua manh áo mới nhưng chưa lần để con thiếu thốn dù chỉ là cây viết, cuốn tập. Người có thể nhịn ăn để cho đứa con thơ ngấu nghiến ăn cho thỏa một bữa cơm no. Người đau mắt, người động kinh, người quanh năm tới lui bệnh viện nhưng lúc nào gọi điện cũng chỉ hỏi con có khỏe không, có vui không, có ai hà hiếp gì không. Dường như mối quan tâm của mẹ chẳng có gì khác ngoài đứa con mình. Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu tủi hờn mẹ đều chịu được, đều vượt qua. Miễn là nhìn thấy con mình đủ đầy, vui vẻ, hạnh phúc, không thua kém ai thì ấy là bầu trời rực rỡ của mẹ.
Nếu chỉ một người viết, ta sẽ thấy sự hi sinh của mẹ là bình thường. Nếu mọi người đều viết thì từ niềm ơn và lòng thương yêu những người mẹ mang đến nhiều xót xa, đau đáu. Tác giả Thùy Hương viết "Nếu có ai bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có một người xem tôi vừa là mục đích đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của cuộc đời mình thì tôi tin chắc người không ai khác hơn là mẹ tôi... Con yêu mẹ!" Mẹ mong con hạnh phúc thì con cũng mong mẹ được an nhàn. Những đứa con như chúng ta đều hi vọng mẹ sẽ một lần sống cho bản thân, phải không?
Mẹ là phái yếu nhưng đôi vai mẹ gồng gánh cả gia đình
Đàn ông có thể là trụ cột kinh tế của gia đình, là người đưa ra những quyết định lớn lao trong nhà nhưng "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Người mẹ, người vợ tuy là phái yếu nhưng thường lại là mối dây kết nối các thành viên trong nhà với nhau. Những người phụ nữ thế hệ trước hầu như đều gồng gánh trên vai cả gia đình. Ở Bí mật về mẹ, hầu hết người mẹ đều vừa phải lo toan chuyện đồng án, bán buôn lại vừa chiều chồng, nuôi dạy con, hiếu kính với cha mẹ chồng. Vì thế mà những đứa con – những tác giả sách – càng thêm thương kính, thêm biết ơn mẹ.
Mẹ làm lụng vất vả cả đời nuôi con khôn lớn. Cứ tưởng khi ấy được thảnh thơi nhưng rồi lại chăm con, chăm cháu. Năm tháng qua đi, những người mẹ trở thành bà nội, bà ngoại vẫn không thôi làm việc, không ngừng chăm lo cho gia đình, chồng con, cháu chắt. Cả một đời mẹ từ tấm bé tới khi kết hôn rồi toan về già đều là những chuỗi ngày không ngơi tay. Phận làm con nhìn thấy mà thương, mà thầm cảm ơn trên đời có mẹ. Như tác giả Chảo Tả Mẩy có viết: "Nếu có ai bảo với tôi rằng ở một nơi nào đó có một người xem tôi vừa là mục đích đầu tiên vừa là mục đích cuối cùng của cuộc đời mình thì tôi tin chắc người không ai khác hơn là mẹ tôi... Con yêu mẹ!"
Mẹ mặc kệ người đời cười chê, dị nghị nhưng đố ai đụng được gì tới các con của mẹ
Người ta nói đến con gà mái còn biết bung cánh che chở con khi gặp hiểm nguy, mẹ cũng sẵn sàng đạp lên cười chê của dư luận để con được sống những ngày bình yên nhất có thể. Với Lan Anh, trong câu chuyện Đau thương của mẹ, bước đường của con, mẹ cô dù sống với một người chồng mắc "tứ đổ tường" nhưng luôn nhẫn nhịn chồng, cố gắng làm lụng. Mặc cho ai nói như thế nào về gia đình mình, mẹ chỉ chăm chú làm sao cho các con được sống trong ngôi nhà đủ cả bố lẫn mẹ, được đến trường. Những sóng gió nợ nần, những bất đồng vợ chồng, những tủi hờn vì người chồng tàn tệ, mẹ đều không muốn làm ảnh hưởng tới các con.
Trong truyện Hai bà má, tác giả Lệ Hằng kể về người má thứ hai của cô, người yêu thương cô vô điều kiện từ khi mẹ ruột của cô qua đời. Cô gọi là Má ba. Mới đầu người đọc cứ tưởng đó là mẹ kế của cô nhưng cuối truyện mới vỡ òa đó là cách cô gọi người cha của mình. Đó cũng là cách cha cô chọn để sống, để chăm sóc và yêu thương chị em cô sau khi vợ ông qua đời. Cha cô vừa là cha vừa là mẹ, vừa mạnh mẽ lại vừa dịu dàng. Ông không sợ người đời dị nghị, phán xét, hạnh phúc với cách gọi Má ba lạ lùng của các con, kệ cho ai nghĩ sao thì nghĩ.
Trong Dì ghẻ, Nhật Thiên kể câu chuyện về người mẹ kế thương yêu con riêng của chồng hơn cả những đứa con ruột của mình. Bà dành mười năm chăm sóc cho đứa trẻ mà không oán thán nửa lời. tình yêu thương và sự nuông chiều mà bà dành cho nó còn lớn hơn cho các con của mình. Đến mức bọn trẻ có phần ganh tị. Mặc cho con ruột có chạnh lòng, mặc cho xóm giềng toàn những lời đàm tiếu "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng" thì bà vẫn thương nó vô điều kiện. Ngày mẹ ruột của đứa bé tới đón nó, bà khóc, bà dặn người ta chăm sóc tốt cho nó. Thế mà mấy chục năm sau, đứa trẻ ấy không lời hỏi han, không lần ngược về thăm nom. Chỉ có bà giữ mãi cuốn ảnh cũ có hình bà với đứa trẻ năm xưa. Chỉ có bà vui mừng khi con rượt giả vờ làm đứa trẻ năm nào viết bài bày tỏ yêu thương với người dì ghẻ.
Tình thương của những người làm cha mẹ bao giờ cũng lớn hơn những dị nghị, xấu xa ở đời.
Không chỉ có mẹ mà những người bà, người chị cũng là người phụ nữ không thể thay thế được trong đời
Ngoài mẹ ra, bà và chị cũng là người phụ nữ thân thiết với chúng ta. Mẹ già đi, con mẹ lớn lên lại sinh ra thế hệ sau, mẹ trở thành bà nội, bà ngoại. Tuổi đời lớn hơn, vai vế lớn hơn và tình thương của mẹ cũng lớn thêm muôn phần. Không chỉ thương chồng, thương con, mẹ thương thêm các cháu. Không ít người bà chăm cháu cho con cái yên tâm đi làm kiếm sống dù bà già rồi, nay ốm mai đau, dù bà nghèo, bà khổ nhưng cháu bà vẫn luôn là cục vàng, là gia bảo. Những kỷ niệm bên bà thời thơ ấu bao giờ cũng là những ngọt ngào còn sót lại của tháng ngày bình yên trong đời người.
Với tác giả Thanh Túy, bà ngoại của cô là người tốt tính và bao dung hiếm gặp. Bà sống trăm tuổi mà vẫn minh mẫn, vẫn dặn cô cách đối nhân xử thế, vẫn nhớ từng ngày giỗ chạp, nhớ chuyện thời xửa xưa. Với cô, bà không chỉ là người sinh ra mẹ mà còn là tấm gương làm người, tấm gương về nhân cách sống.
Còn với Hồng Thoa, chị ba của cô chẳng khác nào một người mẹ. Với cô, đó là người chị bước ra từ trong truyện cổ tích, trong phim. Những hi sinh cả một đời của chị cho các em, những điều chị làm không phân vân để các em được ăn học đàng hoàng, thành gia lập thất đều khiến cô cảm kích. Hiếm có người chị nào lại có thể vì các em nhiều như chị ba của cô. Trên đời vẫn có những người chị tảo tần đến vậy, thay mẹ cha chăm lo cho đàn em từ khi thơ dại tới lúc yên bề gia thất mới lo chuyện đời mình. Còn gì quý hơn tấm lòng ấy nữa.
Trong cuốn sách Bí mật về mẹ, không chỉ những người mẹ được tôn vinh mà cả những người bà, người cha, người chị luôn sống vì gia đình, vì những giá trị linh thiêng vẫn đáng được cảm kích, được thương yêu nhiều.