Hồng Thủy
Bộ sách Bé xíu bé xiu
Updated: Nov 7, 2022
“Bé xíu bé xiu” của nhà phát hành Crabit Kidbooks là một bộ sách về phát triển nhân cách và nuôi dưỡng tinh thần, cảm xúc cho trẻ. Nó cũng ẩn chứa bài học nuôi dạy con sâu sắc, đáng suy ngẫm cho cha mẹ.
5 câu chuyện khai thác 5 chủ đề khác nhau, nhưng cùng chung một tinh thần về sự nhân văn, tử tế, tích cực. Thông điệp trong mỗi truyện cùng hướng đến việc khích lệ trẻ hãy là chính mình, biết chấp nhận chính mình cũng như tôn trọng sự khác biệt và biết trân trọng những điều nhỏ bé nhất, giản đơn trong cuộc sống.
Đây là bộ sách được viết bởi tác giả nổi tiếng người Mỹ, một bestseller của New York Times - Todd Parr. Ngôn từ trong truyện ở bản dịch đã được chuyển ngữ khá thành công, thể hiện sự trong sáng, tươi vui, lạc quan, hóm hỉnh. Ví dụ như tên truyện gốc là It’s ok to make mistakes, đã được chuyển thành “Sai tí tẹo thôi mà” cho đúng cách nói chuyện kiểu trẻ con. Thêm vào đó là lối tạo hình nhân vật độc đáo, mang đến một màu sắc rất riêng cho bộ truyện thú vị này.
Giờ chúng ta sẽ đi vào từng câu chuyện nhé.
1. Cuốn “Sai tí tẹo thôi mà”
Đây là cuốn mình ấn tượng nhất trong cả bộ vì thông điệp rất nhân văn được lặp đi lặp lại trong mỗi trang là: “Đừng lo nếu con lỡ …” hay “Dù con có … thì cũng chẳng có gì đáng ngại”.
Con nhỡ tay làm đổ sữa thì con lau đi là được, con nghịch bẩn thì con tắm gội sạch sẽ là được. Đôi khi là người lớn chúng ta quá lo lắng cho con, chúng ta sợ con làm sai và vô tình nỗi sợ sai của chúng ta tạo áp lực cho con. Nhưng rõ ràng, sai lầm không đáng sợ đáng ghét đến thế.

Là một người lớn lên trong gia đình mà bố mẹ luôn chê trách, quở mắng thậm tệ khi mình lỡ tay, làm sai, hay chậm chạp … Nên gặp được cuốn sách này, mình đã vỡ òa thực sự. Bởi đứa trẻ trong mình cũng ao ước “Giá mà ngày nhỏ, khi mình làm không tốt, cũng được an ủi động viên rằng “Đừng lo con à, chỉ là sai tí tẹo thôi mà”".
Vậy nên, “Sai tý tẹo thôi mà” với mình là một câu niệm chú, mà mình tin mỗi bà mẹ cũng cần trong quá trình nuôi dạy con nhỏ. Để tâm trí được thả lỏng khi nuôi con. Trẻ con còn đang lớn, và trẻ con được quyền sai. Chúng ta cũng vậy. Thay vì dằn vặt, chì chiết, nhai đi nhai lại một lỗi sai, ta chỉ cần nhìn nhận mình làm chưa tốt ở đâu, để tránh, để sửa là được.
2. Cuốn “Con yêu gia đình mình”
“Con yêu gia đình mình” lại đưa mình vào một thế giới của những mô hình gia đình khác nhau. Thậm chí, truyện còn nhắc đến những kiểu gia đình chưa nhận được cái nhìn bao dung của xã hội. Như là:
Gia đình có 2 ông bố hay 2 bà mẹ (ý nói những gia đình đồng tính, cộng đồng LGBT).
Gia đình nhận nuôi bé thơ (tức em bé là con nuôi) …
Gia đình có cha dượng, mẹ kế, anh chị em cùng cha khác mẹ.
Nếu không đủ cởi mở, không đủ bao dung, thì chúng ta đâu dễ chấp nhận những kiểu gia đình nói trên là gia đình bình thường?

Cái hay của tác giả là đã lồng ghép tất cả hiện thực cuộc sống vào, một cách nhẹ nhàng, rất tự nhiên. Khi kể ra những sự khác biệt đó, mục đích sau cùng của truyện vẫn là làm bật lên cái giá trị chung để một gia đình thực sự là một gia đình. Đó chính là tình yêu thương, sự nâng đỡ của mọi thành viên dành cho nhau.
Bài viết khác về chủ đề sách dành cho thiếu nhi:
5 cuốn sách tranh (Picture book) thú vị dành cho thiếu nhi từ 0 - 6 tuổi
3. Cuốn “Con cảm ơn rất nhiều”
Bài học về dạy trẻ biết cảm ơn thì không có gì mới, nhưng cách đưa ví dụ về những điều bé nhỏ đáng trân trọng mà ngày thường ta có thể bỏ qua của tác giả Todd Parr rất thú vị.

Cảm ơn quần áo con mặc, cảm ơn đôi tay, đôi chân, cảm ơn những người bạn, cảm ơn đồ ăn … Cùng với lời cảm ơn là đi kèm một lý do, các bố mẹ có thể dùng để trả lời con mình, nếu sau này con hỏi “Vì sao con phải làm điều này?”. Như là: “Cảm ơn những món ngon cho con lớn khỏe”, “Cảm ơn những chuyến đi xa cho con gặp bao người mới, cảnh hay.”
Mình tin rằng, cùng con đọc cuốn sách này mỗi tối, và kể thêm những điều khác nữa mà hai mẹ con đã biết ơn hôm nay là một cách hay để dạy trẻ về thái độ trân trọng với mọi điều đang có.
4. Cuốn “Khác biệt thì đã sao”
Tinh thần của cuốn sách này như nối tiếp với cuốn “Con yêu gia đình mình”. Nếu cuốn về gia đình vun đắp cho trẻ lòng tự hào về gia đình mình dù gia đình mình có khác biệt ra sao, thì trong cuốn “Khác biệt thì đã sao” lại muốn củng cố ở trẻ sự tự tin vào chính bản thân mình. Từ đó, sách khuyến khích trẻ tôn trọng sự không giống nhau giữa mọi người.
Chẳng sao hết nếu ngoại hình của con từ đôi tai, cái mũi, đôi mắt, mái tóc đều khác mọi người. Chẳng sao hết nếu con đến từ nơi xa xôi. Chẳng sao hết nếu con có những người bạn khác lạ, hay những sở thích không giống ai.

Cũng chẳng sao khi ai đó phải ngồi xe lăn, phải nhờ sự giúp đỡ khi đi đường (ý nói về người khuyết tật). Việc chuẩn bị trước cho trẻ về những điều mới mẻ mà trẻ có thể sẽ gặp khi ra ngoài là một ý tưởng rất nhân văn. Để thay vì sợ hãi, chúng ta có thể đồng cảm với những điều khác thường đó.
Và cuối cùng là việc con làm cách khác, con có lối đi riêng có thể đem tới những khám phá mới, trải nghiệm mới và kết quả mới. Đây là một câu nói tuyệt vời để động viên và gia tăng lòng tự tin cho trẻ.
5. Cuốn “Con có bao cảm xúc”
Một cuốn sách không chỉ nói về những cảm xúc của con trẻ, mà còn kể ra những điều “khùng khùng” tùy hứng, thất thường rất đặc trưng của trẻ. Phải nói là cuốn sách này cho thấy Todd Parr rất am hiểu về thế giới tâm hồn lũ trẻ. Để có thể vẽ ra những cảnh lúc trẻ ngâm ngợi, ngồi thừ, chỉ thích một mình. Và cũng có lúc lại làm đủ trò nghịch ngợm, táo bạo như tự tổ chức sinh nhật, tự làm bánh, nhảy múa với bạn bè.

Và dù con đang có cảm xúc thế nào, con đang làm điều không giống ai, thì đó vẫn là những giây phút, trải nghiệm nên được trân trọng trong hành trình lớn lên của con.
Tuy nội dung rất hay nhưng không có nghĩa là bộ truyện này hoàn hảo, không có điểm trừ. Nếu ai chú trọng vào phần hình ảnh, mong muốn hình phải đẹp theo kiểu chân thật như tranh vẽ thì sẽ thấy bộ truyện này không đáp ứng tiêu chí đó. Vì nét vẽ có phần đơn giản, khác nhiều so với hình ảnh thật. Ngoài ra màu sắc khá nổi bật, tương phản, không theo kiểu pastel nhẹ nhàng nên hơi kích thích thị giác các bé nếu đọc trước giờ đi ngủ.
Bộ sách được giới thiệu là có thể đọc cho các em nhỏ 0-3 tuổi, tuy nhiên nhiều khái niệm, câu chuyện trong sách mình thấy hơi lớn để các bé dưới 3 tuổi hiểu được. Nhưng có khi đấy lại là dụng ý của tác giả. Bởi những điều tốt đẹp, nhân văn thì nên được bố mẹ giới thiệu với các con càng sớm càng tốt.
Không bao giờ là quá sớm để dạy con trở thành người tự tin, yêu bản thân, yêu gia đình và những điều khác biệt trong cuộc sống.
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hồng Thủy và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.