top of page
  • Writer's pictureThúy Ngô

Bốn mùa trà rượu nước hương

Updated: Nov 2, 2022

Bốn mùa trà rượu nước hương của Viên Trân là một cõi riêng với câu chuyện trà, rượu đáng nhớ. Với kiến thức uyên thâm của tác giả, lịch sử và văn hóa như hiện diện trong chén trà, ly rượu.

Em hãy rót cõi phù sinh thơ mộng

Có biết bao rực rỡ với điêu tàn

Uống vô thường trong hơi thở bình an

Ngụm trà nhỏ hòa tôi vào vũ trụ

(Viên Trân)


Tên sách: Bốn mùa trà rượu nước hương

Tác giả: Viên Trân

Giá bìa: 75.000

Nhà xuất bản: Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh


Nội dung tóm tắt


Bốn mùa trà rượu nước hương gồm có 22 bài viết cùng 8 ngoại truyện, mượn lời của Hoa Nhi và ông cố cô - Lâm lão và một số nhận vật khác để chuyển tải cả bốn mùa thơ mộng đậm đà bản sắc văn hoá Việt. Xuyên suốt quyển sách là những câu chuyện tự hào về ướp trà, pha trà, ủ rượu, thưởng thức... cũng như công dụng của những thảo dược hết sức đời thường. Đọng lại là “một tình yêu bất tận với văn hóa Việt Nam, với cỏ cây hoa lá và vạn vật” cùng với tình yêu thương của tác giả với ông cố uyên bác của mình.


Ngoài trà, rượu thì nước, hương và các món ăn chế biến từ thiên nhiên như sen, cúc, trúc, mai, đào,… cũng được mô tả vô cùng thi vị. Đoạn cuối pha thêm chút ngọt ngào đượm hương trà của chuyện ngôn tình Việt Nam, làm người đọc không khỏi xuyến xao.


Những kiến thức bất tận được trao truyền


Từ nhỏ Hoa nhi đã được ông cố truyền dạy cho bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm về trà, rượu, nước, hương… Thưởng trà thế nào cho ngon, mỗi mùa hợp với trà nào, rượu gì? Ví như chuyện trà thôi đã phong phú vô cùng, nào là trà Shan Tuyết, trà Ô long Cầu Đất, trà Uyên Minh, trà Hà Diệp,…


Mỗi loại trà một cách pha, một thức nước khác nhau - nước mưa hứng qua hoa cau, nước mưa ủ Đông qua bốn năm, nước sương trên lá sen, nước mạch từ Phú Hội, nước suối tận mãi Hà Giang,… “mỗi loại nước dùng pha với mỗi loại trà đồng thanh, đồng khí với nó!”


“Thưởng thức trà Việt Nam tinh tế ở chỗ chúng ta phải chọn nước, chọn than, chọn trà cụ…phải biết thưởng hương rồi mới luận vị.”

Bạn đọc trân quý văn hóa nước nhà sẽ “chưa uống mà đã say” với các thức rượu, từ Thùy Hương tửu - rượu ủ với Hương mai lâu năm, Hồng Mễ Tửu - rượu gạo lứt Huyết Rồng, Hương Nương tửu - rượu gạo nàng hương đến Hồ Nha tửu - rượu gạo Nanh Chồn… Mỗi loại rượu đều được dày công ủ cất và mỗi loại cũng sẽ được đựng trong các loại chén khác nhau giúp tăng thêm hương vị của rượu.


Mở quyển sách đã thấy bao la với với “gió lộng cánh mai bay”, mai cũng có năm bảy loại mai, nào là bạch mai, thanh mai, hoàng lan mai, ngọc mai, mai Tứ quý… 300 trang sách như một quyển từ điển mini về các loại thảo mộc bình dị mà quý giá “Cỏ cây chung quanh ta hoặc những loại rau bình thường trong vườn nhà hầu hết là các loài thuốc quý trong dân gian, nếu biết sử dụng đúng cách, chế biến đúng phương pháp thì không cần gì đến các loại thuốc đắt tiền khi đau ốm đâu!”


Xâu xa hơn, ẩn trong những bài học về pha trà, cất rượu, thưởng hoa… còn là những bài học cuộc sống đậm chất thiền môn khi ông hướng Hoa Nhi đến việc sống trong hiện tại “Hai đứa con có thấy cuộc đời hiện diện trong chén trà này không? Cả vũ trụ nằm trong đó!”


Một bức tranh đẹp


Quyển sách đẹp từ hình thức đến nội dung, từ bìa sách đến ngôn từ; văn chương, câu chữ đều được chăm chút kỹ lưỡng. Mở đầu sách đã thấy “Mai trang gió lộng cánh mai bay”. Rồi dưới “Trăng mùng 7 cong cong như một chiếc thuyền bồng bềnh trên mây bạc” lại “Nếm chén Thùy Hương nghe tịch mịch”, cuối tháng Giêng “Đem nắng Dương Xuân ủ Uyên Minh”...


Bức tranh thiên nhiên nhờ thế thật đẹp và yên bình “Nắng nhuộm vàng trên cánh áo mà sao chẳng nóng chút nào! Nắng nằm thiu thiu trên vạt cúc Xuân, những nụ cúc he hé mắt như lén nhìn Hoa nhi đang nhặt lá.” “Hoa dại li ti mọc đầy trên lối nhỏ, trong lèn đá hồn nhiên như những nụ cười em bé.”


Không những thế, với ngòi bút miêu tả của tác giả, lắm lúc ta như cảm nhận được hương mai hoa, hương trầm, hương lan rừng dìu dịu, hương sen thơm ngát…Đồng thời, được hiểu về Nam Xuân khúc, cung đàn Huế, điệu Xàng Xê, bốn bài Oán…


"Niềm vui nhỏ có cần chi diệu vợi"


Bốn mùa trà rượu nước hương mang lại cho mình sự hứng khởi và cảm giác gần gũi. Lật trang sách mà mình thấy rõ hình ảnh cha hái những hoa lài trắng muốt vào pha trà buổi sáng, và cả khi hai cha con cùng lặt mai những ngày giáp Tết với lời căn dặn như Lâm lão từng bảo Hoa Nhi “khi lặt lá mai phải lặt ngược chiều lá, nếu con giật xuôi chiều thì đứt luôn cả ngọn mai non”.


Thấp thoáng trong từng lời văn là ước mơ “về vườn” thầm kín của mình. Nhờ vậy, sau mấy năm làm vườn, đọc lại tác phẩm mình cũng hiểu rõ hơn cảm xúc của tác giả, nhất là đã tự cảm nhận được cái mát dịu của “nước mưa hứng qua hoa cau”, “nước mưa dầm rả rích qua cội ngâu”, “nước sương trên lá sen”... Trong đó, tình yêu thiên nhiên của ông cháu tác giả là điều ấn tượng nhất với mình, là nguồn cảm hứng dồi dào để mình kiên trì chăm chút khu vườn mỗi ngày.


Quyển sách không chỉ phù hợp với người yêu giá trị văn hóa Việt, yêu thiên nhiên, đời sống mà với nội dung thi vị, đôi lúc có phần bay bổng, lãng mạn hóa, sách còn “hợp vibes” với những tâm hồn mơ mộng, những người mê ngôn tình. Nếu bạn có xem Điền Tây Tiểu Ca hay yêu những thước phim của Lý Tử Thất thì cũng không nên bỏ qua quyển sách này. Vì Hoa Nhi chính là một tiểu cô nương Việt Nam sống ở lạc đình “thật êm đềm, thơ mộng cùng vườn cây, chậu kiểng, từng buổi trà sớm, trà chiều.”


Mặt khác, có thể nói đây là một quyển sách kén người đọc, vì sự tất bật của nhịp sống hiện đại, mấy ai còn muốn tìm về hồn xưa nét cũ. Thêm vào đó, câu từ bay bổng dễ khiến người đọc khó tính cảm thấy phi thực tế. Tuy kiến thức thuần Việt, nhưng việc dùng quá nhiều từ Hán Việt cũng khiến người đọc khó hiểu và mất thời gian xem chú thích. Thậm chí, thỉnh thoảng còn có cảm giác như đang đọc một quyển sách dịch Trung Quốc.


Dù sao đi nữa, sau khi khép sách lại, ta vẫn cảm nhận được cái tâm, cái hồn của một người phải rất yêu trà, yêu rượu, yêu thiên nhiên mới lột tả được hình hài của lá, hoa, cho đến từng bước chưng cất, pha chế cũng như cái hương, cái thần của từng loại trà, rượu. Người đọc không chỉ có thêm kiến thức về trà, rượu, hiểu được các loại thức uống tinh túy mà còn có thêm nguồn cảm hứng, động lực để duy trì nét đẹp hoài cổ mà tao nhã, an nhiên này. Đắm chìm trong con chữ, ta như cảm nhận được chút dư vị trà, rượu như thoang thoảng gần bên.


Bốn mùa nước, hương, trà, rượu

Còn thơ ca và cỏ hoa nữa chứ?

Hoa có mặt trong tình ý ngát hương

Thơ có mặt trong từng con sóng chữ.


Trà sống lại, thanh tao hơn nữa

Dịu dàng hơn, thư thái, nhẹ nhàng hơn

Và trà đến ta, đến với vô thường

Cũng đôi lúc giấu mình trong náo loạn.


Nâng chén trà và rượu với tri âm

Lần trang sách ủ hương thầm cổ tích

Thơ với Nhạc uống cùng hương tịch mịch

Với trà nhân, tài tử với thi nhân.

(Nhật Chiêu)


Thúy Ngô



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thúy Ngô và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
21 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page