Hòa Hòa
Câu chuyện dòng sông
Updated: Aug 30, 2022
Câu chuyện dòng sông là câu chuyện về chàng thanh niên Tất - đạt hay suy tư, luôn mang trong mình những câu hỏi về cái toàn thể và tự ngã, luôn kiếm tìm “còn một cái gì mà chúng ta không thể học được”.

Tên sách: Câu chuyện dòng sông
Tác giả: Hermann Hessen
Giá bìa: 88.000 đ
Nhà xuất bản: Hồng Đức
Đơn vị phát hành: Nhã Nam
Tất - đạt là một chàng thanh niên thông minh, giỏi giang, con của một người Bà La Môn giàu có. Khi mà cuộc sống của chàng dường như đã có tất cả, đã được trải sẵn và với tư chất thông minh; chàng chỉ việc sống như cha chàng và bao người Bà la môn khác thôi. Nhưng chàng lại không thoả mãn với những gì học được, những câu trả lời không làm chàng tìm thấy chân lý, kể cả khi chàng được nghe trực tiếp từ lời giảng của Đức Phật Gotaman. Chàng giã từ cuộc sống đầy đủ của một người Bà La Môn để dấn thân vào con đường của một Sa môn, giã từ tăng đoàn để dấn thân vào cuộc sống của một người phàm tục... trải qua bao thăng trầm để tìm câu trả lời cho mình.
Với mình, đây không phải là một quyển sách đọc cho xong. Mình đã “đọc” cuốn sách của Hermann Hesse 3 lần trong suốt 3 năm qua. Mỗi lần đọc lại, mình có dịp quan sát kĩ hơn về con đường mà Tất - đạt đã đi, để chiêm nghiệm về đời sống của chính mình.
Lần 1, là mình nghe trên Youtube. Những buổi chiều đi làm về, mình có thói quen bật youtube lên nghe sách nói. Vừa nghe, vừa chuẩn bị bữa tối, rồi chờ bạn đi làm về ăn cơm. Mình ấn tượng với tác giả Hermann Hessen từ tác phẩm "Cây. Tư tưởng và Thi ca". Ông là một nhà thơ, nhà văn người Đức. Mình thích bút pháp lãng mạn, nhiều triết lý và đầy suy tư của ông. Chọn nghe Câu chuyện dòng sông mình đã thực sự chấn động khi nghe câu chuyện về chàng thanh niên Tất - đạt. Lúc đó, mình đã tự hỏi: “Thế nào là một cuộc đời viên mãn và đầy ý nghĩa? Đó không phải là có một cuộc sống đủ đầy về vật chất, về tình cảm và tiếp nối những truyền thống của gia đình và của xã hội ư?
Tất - đạt đã dẫn dắt mình đi theo những băn khoăn của chàng. Chàng luôn tìm cách phá rào những khuôn thước về một đời sống ý nghĩa lúc bấy giờ: người thừa kế những thủ tục lễ nghi của người cha là người có địa vị trong xã hội Bà La Môn. Chàng xin giã từ cuộc sống đầy đủ vật chất và địa vị để làm một vị sa môn đi tìm chân lý mặc cho cha chàng can ngăn. Những định kiến xã hội, những cài đặt sẵn có chạy ngầm trong mạch văn hoá và nền giáo dục đã nhào nặn lên một con người của xã hội ấy. Phải chăng mình đã luôn nương theo những định nghĩa, những khái niệm, những nhãn dán mà phấn đấu thành một ai đó mà mình không chắc muốn trở thành? Theo chân chàng trong suốt cuộc hành trình, mình cũng đã tập học cách tự phản tư về những hàng rào trong cuộc sống.
Ta muốn học cái gì từ những lời dạy và thầy học, và mặc dù họ dạy ta rất nhiều, cái gì họ không thể dạy cho ta?
Lần 2 là lúc mình băn khoăn nhiều hơn về câu hỏi “làm sao để sống một đời sống ý nghĩa?”. Có điều gì đó thôi thúc mình cần đọc lại Câu chuyện dòng sông kỹ càng hơn. Dường như cuộc sống của mình đang chạy theo nhiều thứ không cần thiết khiến mình mệt mỏi. Chạy theo vật chất làm chúng ta phải làm lụng nhiều hơn, vất vả hơn. Chạy theo kiến thức lại ngăn cản chúng ta tìm thấy chân lý. Tất - đạt đã từ bỏ tất cả những của cải, vật chất; những lễ nghi để bước ra ngoài đời sống đi tìm Đạo cho mình. Và rồi, trải qua bao trầm luân, chàng lại tìm thấy mọi câu trả lời nơi dòng sông.
Vì thế, sau lần đọc này, mình quyết vứt bỏ hết chuyện sách vở, vứt bỏ những sự chuẩn bị khi đón nhận một điều gì mới. Mình thôi kiếm tìm trong những định nghĩa, bỏ qua những e dè lo sợ bước ra khỏi vòng an toàn. Mình thấy ngu ngơ hơn, nhưng lại cũng sẵn sàng hành động và dấn thân hơn, biết ngạc nhiên trầm trồ nhiều hơn.
“Quá nhiều kiến thức đã ngăn ngại chàng, quá nhiều thánh thi, quá nhiều tế lễ, quá nhiều ép xác, quá nhiều cố gắng và làm lụng. Chàng đã đầy kiêu căng, chàng đã luôn luôn là người khôn ngoan nhất, hăng hái nhất, luôn luôn hơn người một bước, luôn luôn là người trí thức, luôn luôn là người giảng đạo hay nhà hiền triết”.
Một lần, vào thời điểm cuối năm, nghe câu chú Om Tare Tuttare Ture Soha, mình đang nghĩ bản thân đã đủ đi qua những nỗi sợ hãi. Vừa nghe, mình vừa viết điên cuồng, và rồi bỗng nhiên mình bật khóc vì nhận ra mình thiếu vắng nhiều niềm tin quá. Bỗng chốc mình thấy chênh vênh và mất phương hướng. Hình ảnh chàng thanh niên với nhiều câu hỏi suy tư quay trở lại và thôi thúc mình cầm sách lên và đọc lần 3.
Chúng ta tìm thấy an ủi, chúng ta học những mánh lới tự lừa dối chúng ta, nhưng điều cốt yếu - Chính Đạo - ta không tìm thấy.
Mọi sự nếu không được chịu đựng cho đến cùng để cuối cùng kết thúc, sẽ trở lại, và những buồn khổ tương tự lại phải tái diễn.
Cứ thế, mỗi lần đọc là một lần mình lại rút ra cho mình những bài học sâu sắc hơn trên con đường sống của mình. Cuốn sách nhỏ cứ vậy, âm thầm lặng lẽ kề bên, để mỗi khi cần có sự lắng nghe và lời chỉ dẫn, mình lại tìm đọc. Mình tin rằng, sau này nữa, khi trải nghiệm nhiều điều hơn, Câu chuyện dòng sông vẫn là cuốn sách giúp mình mở rộng tâm của mình.
“Tôi đã học qua thể xác và linh hồn tôi rằng tôi cần phải phạm tội, cần phải đắm mê dục lạc, cần phải lao tâm nhọc trí kiếm tiền của, trải qua những cơn buồn nôn và xuống tận cùng hố thẳm tuyệt vọng, để mà học cách đừng chống chọi lại chúng, để mà học yêu thương cuộc đời, và không còn so sánh nó với một thứ thế giới tưởng tượng viễn vông do mình ao ước, không còn so sánh nó với một ảo tưởng nào về Toàn Thiện, mà trái lại để cuộc đời nguyên trạng là nó, yêu thương và vui thích được dự phần với nó.”
Đó là cuốn sách yêu thích và được đọc lại nhiều nhất của mình. Bạn có cuốn sách nào như thế không? Kể cho mình nghe nhé.