top of page
  • Writer's pictureHòa Lương

Chữ xưa còn một chút này

Updated: Aug 30, 2022

Chữ xưa còn một chút này phân tích cấu tạo và ý nghĩa của 100 từ Việt cổ đã bị mai một hoặc đổi nghĩa theo thời gian. Cuốn sách như một từ điển thu nhỏ để người Việt học lại tiếng Việt.


Tên sách: Chữ xưa còn một chút này

Tác giả: Nguyễn Thùy Dung

Giá bìa: 119.000 đồng

Nhà xuất bản: Thế Giới

Đơn vị phát hành: Wavebooks



Nội dung tóm tắt: Cuốn sách tập hợp các từ vựng mà nét nghĩa nguyên sơ của nó đã bị biến đổi theo thời gian. Sách gồm hai phần chính với 100 mục từ được phân tích. Phần một lí giải nguồn gốc của 66 từ. Phần hai viết về 34 từ đã bị mờ nghĩa theo thời gian. Để tìm hiểu được lịch sử sử dụng của một từ Việt cổ đã trải qua ngàn năm biến đổi không phải điều dễ dàng. Vì vậy, tác giả đã thật sự dày công nghiên cứu các tài liệu liên quan tới ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam.


Vì sao bạn nên đọc Chữ xưa còn một chút này?


Trước hết, đây là cuốn sách truyền cảm hứng và tình yêu với tiếng Việt


Không có nhiều người trong chúng ta để ý tới từ ngữ mà ta dùng hàng ngày. Càng ít người đi tìm hiểu nguồn gốc lâu đời của từ vựng tiếng Việt trong sự biến thiên của thời gian. Từ này được tạo nghĩa bằng cách nào, trước đây được dùng ra sao, bây giờ được sử dụng khác trước không. Thùy Dung trả lời được những thắc mắc ấy trong cuốn sách này.


Tác giả viết về kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu. Phần giải thích đơn giản, có ví dụ minh họa trong đời sống gần gũi. Không những vậy, nội dung mỗi từ được in nổi lên ảnh chìm rất nghệ thuật làm người đọc không thể rời mắt. Ai cũng sẽ dễ dàng hiểu được nội dung của các từ Việt cổ khi đọc sách. Đây là thành công khó đạt được đối với một cuốn sách nhiều lí thuyết.


Sách cũng đưa ra cách sử dụng đúng của các từ đang bị dùng sai chính tả. Có nhiều từ phổ biến tới mức ta mặc định chúng là đúng nhưng thực chất đang sai. Chẳng hạn như "ta thán" không phải "ca thán", "bêu riếu" không phải "bêu rếu", "sớn săc" không phải "xớn xác"… Cuốn sách thể hiện được tình yêu tiếng Việt và công sức của người viết bỏ ra để tìm tòi, nghiên cứu và đối chiếu các tư liệu nhằm mang đến kiến thức chính xác về lịch sử dùng từ cho người đọc.


Đặc biệt, tác giả còn cẩn thận gợi ý cách dùng từ làm sao cho đúng nghĩa. Ví dụ các từ gần nghĩa: phân vân, lưỡng lự, do dự, chần chừ. Bạn có từng nghĩa chúng cùng nghĩa và dùng thay thế được cho nhau không? Thực chất dù gần nghĩa nhưng giữa chúng vẫn có nét nghĩa khác nhau. Hoặc sắc thái biểu cảm không hoàn toàn giống nhau. Đây cũng là điểm đặc biệt làm nên vẻ đẹp tiếng Việt - sắc thái ý nghĩa của từ.


Ngoài ra, Thùy Dung cũng đưa lời khuyên sử dụng từ điển để tra từ và dừng lại khi nói, viết để đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời liên quan đến các từ ngữ. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen dùng từ chủ động, chuẩn mực, cẩn thận. Nhất là những người viết. Chúng ta thường ỷ lại vào trí nhớ của mình mà không quen tra từ trong Từ điển. Điều ấy nhiều khi dẫn đến các lỗi sai tai hại cho bài viết.


Sách còn thu hút bởi hình thức trình bày phù hợp với thị hiếu của độc giả mà vẫn đúng với tựa sách


Bìa sách được thiết kế đơn giản theo tông màu trắng đen và logo thương hiệu của Ngày ngày viết chữ. Hình ảnh được in màu, trang giấy nhẵn và dày như tạp chí. Chữ in rõ ràng, dễ nhìn và phông chữ thú vị. Mỗi từ trong sách được trình bày thành hai trang khổ vuông 15x15. Một trang hình ảnh của từ. Một trang phân tích nghĩa xa xưa và sự biến đổi nghĩa tới bây giờ. Sách chừa ra nhiều trang trắng và khoảng trắng, bạn có thể ghi lại cảm nhận hoặc vận dụng các từ ngữ ngay lập tức.


Điều nữa đáng trân trọng là tác giả đã dày công tìm hiểu các tài liệu chuyên ngành. Nhờ vậy mà thông tin trong sách chính xác, đáng tin cậy. Đồng thời cũng có phần tài liệu tham khảo ở cuối sách cho thấy sự chuyên nghiệp của người nghiên cứu, sự trân trọng với thành quả của người đi trước.


Sẽ chẳng có cuốn sách nào làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng Chữ xưa còn một chút này là lựa chọn tuyệt vời cho người yêu chữ và yêu tiếng Việt. Lòng yêu nước chắc lẽ cũng từ những điều be bé vun lại mà nên. Cảm ơn tác giả Thùy Dung đã mang tiếng ta đến với người Việt ta.


Hòa Lương



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hòa Lương và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

4 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page