top of page
  • Writer's pictureHồng Thủy

Con lạnh lắm, mẹ có thể ôm con không

Cách tiếp cận vấn đề thẳng thắn cùng lối kể chuyện chân thực của tác giả nêu bật lên những góc tối, sự việc đau lòng xảy ra trong nhiều gia đình Việt Nam do sự vô tâm, thiếu hiểu biết của cha mẹ đã tác động mạnh mẽ đến trái tim người đọc và để lại nhiều suy ngẫm, cảnh tỉnh những người làm cha mẹ.


Tên sách: Con lạnh lắm, mẹ có thể ôm con không

Tác giả: Lê Thanh Ngân

NXB: Phụ nữ Việt Nam

Giá bìa: 127.000


Là người theo dõi facebook của tác giả từ lúc chị còn “thai nghén” cuốn sách, tôi biết chị đã trăn trở nhiều khi đặt tên cho cuốn sách này. Trước khi đọc sách, tôi không hiểu hết cái tên “Con lạnh lắm, mẹ có thể ôm con không?” hàm chứa những gì. Nó chỉ nói về câu chuyện của những đứa con bị bỏ rơi, bị cha mẹ không yêu thương hay sao?


Đến khi đọc xong, tôi nhận ra cuốn sách không chỉ nói về những đứa con thiếu thốn tình thương. Thông điệp xuyên suốt cuốn sách, sự đau đáu của tác giả là: làm cha mẹ tốt khó vô cùng. Nó đòi hỏi nhiều nỗ lực rèn luyện thân - tâm - trí của bậc phụ huynh. Để truyền tải thông điệp đó, tác giả chia cuốn sách thành hai phần chính. Phần một là những câu chuyện về học cách làm cha mẹ tốt, phần hai là cách phát triển trí thông minh cảm xúc EQ cho con.


Làm cha mẹ cần những phẩm chất gì?


Ai cũng nói mình thương con nhưng thương sao cho đúng cách không phải ai cũng biết. Theo tác giả, tình thương phải đi với trí tuệ, với hiểu biết, dựa trên sự tôn trọng và công bằng giữa những người con trong cùng một nhà. Chỉ như vậy, con trẻ mới cảm nhận được tình yêu ấy và lớn lên trong hạnh phúc.


“Công thức” hay “mô hình” để tạo nên cha mẹ tốt, theo tác giả đúc kết sẽ bao gồm bốn yếu tố: cha mẹ tốt = yêu thương + thấu hiểu + công bằng + trí tuệ.


Trước khi đưa ra được kết luận đó, tác giả tiếp cận vấn đề bằng những câu chuyện chân thực mà chính chị trải qua, chứng kiến hoặc nghe kể. Đối với tôi, nửa đầu chương một khá khó đọc. Nó khó đọc không phải vì từ ngữ cao siêu, kiến thức khó hiểu mà vì gần như không có sai lầm nào trong cách dạy con của cha mẹ Việt mà không được tác giả đề cập tới một cách trực diện.


Điểm mạnh của tác giả Lê Thanh Ngân xưa nay vốn là lối kể chuyện miêu tả nên không có gì ngạc nhiên khi có những câu chuyện như bóp nghẹt trái tim tôi. Chúng khiến tôi đôi lần muốn dừng lại, không thể đọc tiếp vì hoàn cảnh đáng thương của những em bé không được cha mẹ yêu thương đúng cách tái hiện trong sách.


Không chỉ thuần kể chuyện, sau mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh, tác giả Thanh Ngân đều lồng ghép các phân tích, nêu diễn biến tâm lý của những đứa con. Từ những đứa bé buồn tủi, khao khát quan tâm, thấu hiểu từ cha mẹ dẫn đến tâm lý yếu ớt, mong manh, hờn trách rồi trở thành những người lớn lạnh lùng, vô cảm như thế nào.


Về nửa sau chương một, không khí trong sách tươi sáng hơn khi có những cuộc đối thoại, trò chuyện thú vị của tác giả với hai đứa con của mình. Tác giả đã cho thấy mình có cách thuyết phục thông minh, thấu đáo, “mắng con bài bản, có chiến lược”. Với tác giả, mỗi khi con chị mắc sai lầm là một cơ hội tuyệt vời để dạy con một điều thực tế.


Tác giả cũng nêu ra những vấn đề cha mẹ cần lường trước khi có hai đứa trẻ cùng lớn lên. Vậy nên, nếu bạn chỉ có một con, bạn có thể tìm thấy cách nuôi dạy con tương tự như cách tác giả đề cập ở nhiều cuốn sách khác xuất bản trước. Nhưng nếu bạn có hai đứa trẻ hoặc chuẩn bị có hai đứa trẻ thì kinh nghiệm của tác giả nêu trong sách thực sự cần thiết.


Ở cuối chương một, để giúp cha mẹ dễ nhớ lại, dễ tóm tắt ý chính, tác giả đúc kết lại thành 14 nguyên tắc để trở thành cha mẹ tốt. 14 nguyên tắc đó là gì, tôi xin phép không nêu ra để dành cho độc giả tự khám phá.


Con trẻ thực sự cần cha mẹ dạy điều gì?


Liệu đó có phải là học viết, học đọc, làm toán, làm văn hay giỏi ngoại ngữ? Với tác giả Thanh Ngân, tất cả những điều đó có thể học sau, học ở trường lớp. Cái quan trọng hơn mà không trường lớp nào dạy cho con là 12 kĩ năng liên quan đến EQ của trẻ mà trẻ sẽ mang theo suốt đời, những điều mà chỉ cha mẹ mới dạy con tốt nhất.


Đó là: phải quý trọng tính mạng và sức khỏe, phải có lòng lương thiện, ham học hỏi, giữ bình tĩnh trước mọi việc, biết hiểu thảo, biết giữ tình bạn, tình yêu, hạnh phúc gia đình, giữ niềm tin vào cuộc sống … Bởi đây mới là những điều không thay đổi, giúp con sống một đời an nhiên, hạnh phúc giữa thế giới đầy biến động.


So với chương một thì lượng nội dung của chương hai có phần ít hơn, những phân tích cũng không sâu như chương một. Nó hơi làm tôi hụt hẫng khi gấp sách lại. Tuy nhiên, với những gì tác giả đã rút ruột gan chia sẻ, tôi tin rằng cuốn sách này đủ để đọng lại một vài bài học giúp người làm cha mẹ trở nên tốt hơn.


Dừng lại một chút để hiểu con hơn, để yêu con đúng cách hơn, đừng để con phải nói: “Con lạnh lắm, mẹ có thể ôm con không?”. Có lẽ chỉ cần mỗi khi nhìn vào những đứa con của mình, cha mẹ nào cũng nghĩ tới điều này thì sẽ không có những đứa trẻ phải đau lòng mà lớn lên.


Hồng Thủy


Xem thêm:

Kỉ luật mềm của trái tim

Dạy con kiểu Nhật (giai đoạn 0 - 1 - 2 tuổi)



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hồng Thủy và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

13 views

Recent Posts

See All
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page