Thúy Ngô
Cuộc cách mạng một cọng rơm
Updated: Aug 30, 2022
Cuộc cách mạng một cọng rơm là cuốn sách nổi tiếng của tác giả Masanobu Fukuoka - người đi đầu phong trào nông nghiệp thuận tự nhiên. Với một người yêu thiên nhiên và theo đuổi phương pháp trồng cây không sử dụng thuốc hóa học như mình thì quyển sách thực sự hấp dẫn.

Tên sách: Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tác giả: Masanobu Fukuoka
Giá bìa: 90.000
Nhà xuất bản: Tổng Hợp TP.HCM
Đơn vị phát hành: Công ty TNHH Văn Hóa & Truyền Thông Du Bút
Về tác giả Masanobu Fukuoka
Masanobu Fukuoka (1913 – 2008) là một nông dân, nhà nghiên cứu và triết gia người Nhật đến từ đảo Shikoku. Tại Việt Nam, ông nổi tiếng với hai cuốn sách được dịch: Cuộc cách mạng một cọng rơm và Gieo mầm trên sa mạc. Qua hai cuốn sách đó, ông đã làm rõ triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên và chứng minh được bằng những kết quả đáng kinh ngạc. Ông nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng và được coi là một trong năm nhân vật lớn thúc đẩy trào lưu nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.
Triết lý nông nghiệp trong Cuộc cách mạng một cọng rơm
Khi đọc tựa đề quyển sách, mình đã tò mò và tự hỏi:
Đây có phải là quyển sách về nông nghiệp?
Liệu có cuộc cách mạng nào không?
Và làm sao cọng rơm có thể làm nên cuộc cách mạng?
Quyển sách gồm năm phần với những câu chuyện trải dài cả cuộc đời tác giả với các nội dung chính như Trở về thôn quê, Bốn nguyên tắc của nông nghiệp tự nhiên, Đâu là thực phẩm dành cho con người, Mạn đà la thực phẩm của tự nhiên, Những đám mây trôi dạt và ảo tưởng của khoa học…Trong Cách mạng một cọng rơm không có những bài học giáo về nông nghiệp, chỉ có những tri thức mà mỗi người đọc tự đúc rút được từ câu chuyện của tác giả.
Hơn hết là một tư tưởng sâu sắc về lối sống bền vững, từ lối canh tác thuần tự nhiên đến cách chọn thực phẩm và văn hóa ẩm thực. Ngoài ra, cuốn sách không chỉ chứa đựng những kiến thức về nông nghiệp mà còn có cả những bài học sâu sắc về cuộc sống, mà đôi khi chúng ta phải dành cả đời để chiêm nghiệm.
Qua từng trang sách, mình được biết thêm những kiến thức về nông nghiệp, đồng thời có cơ hội dừng lại, nghĩ và ngẫm về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên. Rồi mình tự nhủ “Đây là quyển sách dành cho mình!” và thực sự ấn tượng với những thông điệp sau:
Làm nông thuận tự nhiên
Ở nửa đầu quyển sách, ông Masanobu Fukuoka dành nhiều tâm tư chia sẻ quá trình làm nông với triết lý “ngược đời”, trái với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp đang rất phổ biến. Triết lý của ông gồm bốn nguyên tắc là không cày xới, không làm cỏ, không dùng phân hóa học và không phụ thuộc vào hóa chất.
Để theo đuổi triết lý này, ông đã dành phần lớn đời mình để thử nghiệm nhiều lần trên chính mảnh đất của gia đình. Sau bao phen thất bại, ông đã rút ra được những bài học để đời từ việc canh tác lúa, cây ăn trái đến các loại rau củ… Và bằng cách diễn đạt kinh nghiệm với lối viết đầy chất thơ, giàu hình ảnh, ông đã đưa người đọc đến với những khu vườn tự nhiên nhất.
Để rồi “Bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu là thứ thuốc men hoá chất. Muôn loài dựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng nhau, chế ước nhau và loại bỏ những gì cần loại bỏ để duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất.”- Nhà báo Hoàng Hải Vân
Cách mạng một cọng rơm
Ngoài việc truyền đạt tư tưởng về nghề nông, quyển sách còn là sự chiêm nghiệm về cuộc sống với triết lý “cọng rơm” đơn giản mà sâu sắc. Thì ra là “Chỉ từ một cọng rơm này thôi một cuộc cách mạng có thể được khơi mào.” Cọng rơm có vẻ nhỏ nhoi và nhẹ bâng, nhưng nếu nó được trả lại ruộng thì vừa có thể làm màu mỡ đất, vừa giải quyết được vấn đề sâu bệnh và chim chóc phá hại mùa màng. Việc này giúp chấm dứt thói quen canh tác phụ thuộc vào chất hóa học độc hại, gây ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta.
Nhưng đây không đơn thuần là cuộc cách mạng trong canh tác nông nghiệp, hay bàn về chuyện ăn uống, sức khỏe. Đây còn là cuộc cách mạng trong tâm thức của con người, không riêng gì nhà nông mà là tất cả chúng ta – những người sống trên trái đất này.
Chúng ta cần buông bỏ lòng tham và sự mong cầu cá nhân, buông bỏ tham vọng điều khiển thiên nhiên, để hiểu được sâu sắc sự vận hành của vạn vật. Như cách nói của tác giả, mục đích của làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng hoàn thiện con người. Sự thay đổi trong nông nghiệp hay cách loài người tồn tại không bắt đầu từ những thứ vĩ mô to lớn, mà bắt đầu từ việc chúng ta nhận ra sức mạnh của một cọng rơm, của một cá thể bé nhỏ.
Gấp quyển sách lại, điều đọng lại trong mình không chỉ là những kiến thức đa dạng về thiên nhiên và cuộc sống mà còn là nguồn cảm hứng dạt dào để hành động, vì sức khỏe và cuộc sống của chính mình lẫn người khác. Và chính nhờ thái độ khiêm nhường, tôn trọng thiên nhiên của tác giả, mà người đọc trong đó có mình được đánh động phần nào để thay đổi cách nhìn nhận với thiên nhiên, vạn vật.
Với mình, Cách mạng một cọng rơm là quyển sách thực sự phù hợp với những ai muốn “bỏ phố về quê” sống cuộc sống gắn bó với nền nông nghiệp sạch và cả những ai đang tìm kiếm một triết lý sống bền vững, gắn bó với thiên nhiên, cây cối.