Hồng Thủy
Dạy con kiểu Nhật (giai đoạn 0 - 1 - 2 tuổi)
Updated: Aug 30, 2022
Bộ 3 cuốn sách là nguồn tham khảo đáng tin cậy về những kiến thức khoa học não bộ, cách cha mẹ Nhật nuôi dạy con thành người trưởng thành toàn diện, cả thể chất lẫn tính cách và trí tuệ.

Tên sách: Dạy con kiểu Nhật (giai đoạn 0-1-2 tuổi)
Tác giả: Kubota Kisou, dịch giả: Nguyễn Thị Mai
Giá bán: 79.000
Đơn vị phát hành: Thái Hà Books
Tóm tắt nội dung: Bộ sách bao gồm 3 quyển, chứa đựng những kiến thức khoa học về não bộ của trẻ giai đoạn 0-1-2 tuổi, kết hợp kinh nghiệm thực tế mà tác giả đã áp dụng thành công trong việc đào tạo nhiều nhân tài tại Nhật Bản. Sách được viết bởi giáo sư Kubota Kisou. Ông là học giả về khoa học thần kinh, là giáo sư danh dự của trường đại học Kyoto, Nhật Bản.
Giới thiệu cấu trúc mỗi cuốn
Cấu trúc của 3 cuốn đều đi theo format chung:
- Phần mở đầu của mỗi cuốn: nêu tóm tắt về từng giai đoạn của trẻ: 0-1 tuổi, 1-2 tuổi, 2-3 tuổi. Ở mỗi độ tuổi này, từng cuốn sẽ nêu ra trẻ có đặc điểm gì nổi bật. Nó giống như kim chỉ nam xuyên suốt 1 năm phát triển đó của trẻ.
- Phần thân mỗi cuốn sách: là sự phân chia theo từng kỹ năng mà trẻ có và cần đạt được, đi kèm là các bài tập, hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày để cha mẹ thực hành cùng con.
- Phần cuối là Q&A - hỏi đáp về những vấn đề, khó khăn thường gặp của bố mẹ khi nuôi dạy con giai đoạn tương ứng.
Giờ thì chúng ta sẽ đi vào chi tiết từng cuốn nhé!
Cuốn 1: Dạy con kiểu Nhật - Giai đoạn trẻ 0 tuổi
Vì sao cha mẹ nên áp dụng những phương pháp giáo dục trẻ sớm khi trẻ chỉ vừa mới chào đời? Tác giả chỉ ra rằng não bộ của trẻ đã phát triển từ khi còn là bào thai. Và khi ra đời, trẻ cần các kích thích lên cơ thể và 5 giác quan để các khớp liên kết thần kinh phát triển hơn. Từ đó giúp tăng cường khả năng phán đoán, óc sáng tạo của bé.
12 tháng đầu đời là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của trẻ, cả về thể chất và trí tuệ
Trong sách có nêu chi tiết từng giai đoạn nhỏ trong thời kì 1 tuổi:
- 0-1 tháng trẻ như thế nào
- 2-3 tháng trẻ thay đổi ra sao
- 4-5 tháng trẻ học kĩ năng gì mới
- 6-9 tháng bố mẹ cần kích thích những hoạt động gì ở trẻ
- 10-12 tháng, cần chuẩn bị gì cho con bước vào giai đoạn bò và tập đi
Dù áp dụng khoa học nhưng tác giả vẫn không quên nhắc nhở bố mẹ rằng:
Không có phương pháp nào đạt được hiệu quả mà thiếu đi tình yêu thương, sự gần gũi, trò chuyện với con. Tình cảm của cha mẹ và con càng bền chặt, thì việc nuôi dạy con càng hiệu quả cao.
Cuốn 2: Dạy con kiểu Nhật - Giai đoạn trẻ 1 tuổi
Trong giai đoạn này, điều nổi bật nhất ở trẻ là trẻ sẽ biết đi và các kĩ năng dùng bằng đôi tay (vận động tinh). Bố mẹ cần học cách chơi cùng con, lựa chọn đồ chơi cho con tạo điều kiện để bé vừa vui chơi vừa quan sát, học hỏi.
Một tuổi cũng là lúc trẻ bước vào giai đoạn bướng bỉnh đầu tiên. Tác giả đưa ra 5 lời khuyên cho bố mẹ trong thời kì này:
- Không so sánh con với trẻ khác
- Luôn nhất quán trong phương pháp dạy con
- Khi nói luôn nhìn vào mắt con
- Không được thất hứa với con (dù là lời hứa nhỏ nhất)
- Hãy là cha mẹ nghiêm khắc
Cuốn 3: Dạy con kiểu Nhật - Giai đoạn trẻ 2 tuổi
Trước đây mình cứ nghĩ rằng khi trẻ đi học tiểu học mới là lúc cần chú ý đến tính cách. Nhưng tác giả chỉ ra:
Năm trẻ 2 tuổi được xem là độ tuổi có ảnh hưởng rất lớn đến hình thành tính cách.
Giai đoạn hai tuổi là lúc trẻ hoàn thiện khả năng đi đứng, các nhận thức về thế giới xung quanh cũng tăng lên. Vậy nên, cha mẹ cần chú ý dạy con biết các tập tính, kĩ năng xã hội.
Giáo sư Kubota Kisou cũng cho biết:
Khi con 2 tuổi, cha mẹ nên dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của trẻ. Và người cha có vai trò lớn hơn trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này, chứ không còn là người mẹ.
Người cha nên là người hướng trẻ đến với những gì mà con yêu thích, con có khả năng, để định hướng cho con đi theo con đường tốt nhất.
“DẠY CON KIỂU NHẬT” với cá nhân mình là bộ sách cần có trong tủ sách của bất cứ ông bố, bà mẹ nào muốn xây dựng nền móng ban đầu vững chắc nhất cho con mình. Để con có cơ hội phát triển về sức khỏe, thể chất, tinh thần, trí tuệ và kĩ năng một cách toàn diện nhất.