Hòa Lương
Hôm nay phải mở mang
Updated: Aug 30, 2022
Hôm nay phải mở mang là cuốn sách của Nguyễn Thùy Dung chia sẻ về kỹ năng viết lách. Như cô nói, đây là "một tựa sách của Ngày ngày viết chữ dành cho người học viết và làm nghề viết".

Tên sách: Hôm nay phải mở mang
Tác giả: Nguyễn Thùy Dung
Giá bán: 119.000 đồng
Đơn vị phát hành: Wavebooks
Nội dung tóm tắt: Cuốn sách là cẩm nang dành cho những người làm nghề viết và yêu viết. Trong đó, tác giả nêu ra những điều người viết cần làm để cải thiện kỹ năng viết lách của mình.
Ấn tượng đầu tiên về cuốn sách nằm ở trang bìa nền trắng với thiết kế cách điệu của làn nước với tựa đề chìm nổi như những con cá. Dòng nước được tuôn ra từ ngọn bút gợi nhiều tới sự sáng tạo không ngừng trong viết lách. Dung còn để lời đề tựa: "Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang" cùng dòng chữ viết tay "thư thả mở mang, thư thái viết".
Bố cục sách Hôm nay phải mở mang
Sách gồm hai phần chính là Viết không đắn đo – sửa không nhân nhượng và Đi đường ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân. Ngoài ra còn có phần mở rộng, lời kết, danh mục tài liệu tham khảo và danh mục văn liệu. Thùy Dung vẫn luôn chỉn chu và chuyên nghiệp trong cách nghiên cứu lẫn cách làm sách.
Phần một bàn về Đọc – nghe – viết – sửa
Đề mục các chương được đặt theo dạng câu hỏi "Hôm nay mình … gì?" Bởi vì tác giả nhắm tới đối tượng người đọc là những người viết mới. Họ còn nhiều băn khoăn và luôn tìm kiếm lời giải đáp cho các vấn đề để viết tốt hơn. Bằng cách lí giải, ví dụ, gợi ý giải pháp, Thùy Dung trực tiếp truyền động lực cho độc giả của cô. Và như Dung chia sẻ, cô thích thú với lối nói của người bình dân. Ngôn từ trong cuốn sách này cũng đơn giản, dễ hiểu như vậy.
Phần hai đi sâu hơn vào chuyện viết, nghề viết
Đây là chương mà Dung chia sẻ những kinh nghiệm của mình liên quan tới viết Marcom và viết văn chương. Mình đánh giá đây là phần bí kíp mà mọi người viết nên bỏ túi. Tất nhiên phần một cũng là bí kíp nhưng chưa trực tiếp như chương này. Bạn đã viết nhưng vẫn chưa biết hệ thống hóa các vấn đề liên quan? Vậy đây chính xác là những trang sách bạn cần đọc. Thùy Dung đưa ra những ví dụ cụ thể từ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân tới ngữ liệu văn học.
Mặc dù được tác giả khuyến cáo là nên đọc từ đầu tới cuối để có cái nhìn hệ thống và khoa học nhưng mình vẫn mạn phép lật mở 8 trang bất kì thuộc 8 chương sách để xem cuốn sách có thể giúp độc giả "đọc trang nào cũng mở mang" không nhé!
Trang sách nào cũng giúp người đọc mở mang
Trang 19 thuộc chủ đề hôm nay đọc gì. Nhiều người sẽ tiếc vì nghĩ như vậy làm bẩn sách nhưng thực tế đó là cách đọc chủ động và hiệu quả. Đọc tới đâu nên ghi chú trực tiếp lên sách hoặc vào sổ tay, đánh dấu bằng giấy nhớ hoặc chép vào một tờ giấy rời rồi kẹp vào trang có con số ý nghĩa với bạn. Mình ấn tượng với câu nói "Nếu bạn hỏi rằng, giả sử cuốn sách của chúng ta có quá nhiều gạch chân và ghi chú thì phải làm sao? Thì chúng ta nên đọc cuốn sách đó một lần nữa và nhiều lần nữa. Nó xứng đáng để được đọc đi đọc lại."
Trang 43 thuộc chủ đề hôm nay nghe gì. Tác giả phân tích những cách dùng từ đặc biệt của âm nhạc dân gian đáng để học hỏi. Sau đó nói thêm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Một người tài hoa với lối dùng từ chuẩn mực. Thùy Dung đưa ra minh họa hai từ "phôi pha" và "trối trăng". Trang này khiến mình phải suy nghĩ về sự dụng tâm của người viết mỗi khi đặt bút. Chính cái tâm với những điều mình viết ra sẽ làm cho mỗi người viết trở nên đặc biệt.
Trang 79 thuộc chủ đề hôm nay viết gì. Trang này tổng kết cách tạo liên kết theo theo trật tự tuyến tính thời gian, không gian. Tức là theo trình tự thuận tự nhiên. Cách trình bày này giúp người đọc dễ hiểu nhưng tác giả cũng nói thêm rằng nhiều người viết thường đảo lộn trật tự của chúng. Đây cũng là một thủ pháp tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm. Nửa trang còn lại giới thiệu về việc dùng phép thế, phép lặp, phép liên tưởng và phép nối để liên kết đi kèm với bảng tổng hợp và ví dụ cụ thể. Nội dung khiến mình quan tâm là việc thay đổi trật tự hay diễn đạt như thế nào không phải là vấn đề nếu người viết đủ năng lực.
Trang 99 thuộc chủ đề hôm nay sửa gì. Tác giả viết về bốn nhóm lỗi sai chính tả thường gặp mà nguyên nhân đến từ giọng địa phương. Đồng thời đưa ra gợi ý cải thiện bằng cách nhìn nhận lỗi sai, tra từ điển, tự nghi ngờ, tự giác tra cứu. Mình ghi nhớ câu "Hãy sẵn sàng tra từ điển, lúc cần và cả lúc không cần."
Trang 130 thuộc chủ đề bộ tứ kĩ năng của người cầm bút. Ở trang này, Thùy Dung giới thiệu phương pháp Cornell – kĩ năng ghi chép. Trong phương pháp này, ta thực hiện 3 bước: ghi chú > gợi ý > tóm tắt theo 3 phần trên trang vở. Cornell giúp người thực hành phân tích sâu và tìm tòi được ý tưởng mới. Câu nói mình thích là "việc ghi chép nhiều tới đâu cũng không có ý nghĩa bằng việc vận dụng những gì mình đã ghi chép đó."
Trang 145 thuộc chủ đề vượt qua cơn đốn bút tự thân. Tức là vượt qua những quãng ngừng viết mà nguyên nhân từ phía mình. Tác giả đưa ra giải pháp cho việc viết không có kế hoạch là áp dụng phương pháp 5W + 1H. Trả lời được 6 câu hỏi này thì người viết sẽ lập được kế hoạch để quy chiếu xem tiến độ và kết quả ra sao. Kế hoạch nên được vạch ra theo các mốc thời gian cụ thể và được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện. Điều cần nhớ là biến 5W + 1H thành một hệ thống hoàn chỉnh, liên kết, bổ trợ cho nhau.
Trang 171 thuộc chủ đề hình thành văn phong đặc trưng. Trang này khẳng định văn phong không phải tự dưng mà thành. Nó là kết quả của năm tháng mài bút liên tục. Viết từng chút mỗi ngày chính là cách rèn giũa văn phong. Mỗi người đều khác biệt và giọng điệu cũng không ai giống ai trăm phần trăm. Câu đắt giá nhất của trang "Nền tảng văn phong của bạn chính là con người thật của bạn."
Trang 186 thuộc chủ đề nghiêm túc học viết. Ngoài việc không ngừng rèn luyện, có thầy giỏi, sách hay, không khí học thuật phù hợp thì người viết cần nhớ "một thân thể không đau, một tinh thần không loạn". Người trẻ thường ỷ lại vào sức khỏe mà cố gắng làm việc tới mức cố chấp. Nhưng không có sức khoẻ sẽ không thể làm được gì cả. Vậy nên bất cứ ai, kể cả người viết, đều cần phải rèn luyện thể lực, ngủ đủ giấc, không bỏ bữa. Lời căn dặn này tuyệt đối đừng nghe xong rồi thôi.
Mở đủ 8 trang, thấy mình mở mang. Đó chính là cảm giác của mình sau khi đọc qua các trang sách bất kì ấy. Đối chiếu lại với toàn bộ cuốn sách có thể thấy được tính thống nhất trong một hệ thống chỉnh thể vừa khoa học vừa dễ hiểu mà tác giả Thùy Dung đã chuyên tâm chọn lọc, trình bày.
Vẫn như cuốn sách trước, tác giả tặng thêm cho người đọc phần mở rộng về một số mô hình và cấu trúc bài viết thường gặp. Theo ý kiến cá nhân của mình, đây là món hời cho độc giả. Mình biết có nhiều bạn chưa xác định hay xây dựng được cấu trúc của bài viết. Áp dụng mô hình và cấu trúc hợp lí sẽ giúp bài viết chắc chắn về cả nội dung lẫn hình thức.
Khép lại cuốn sách, mình tin rằng hôm ấy bạn sẽ mở mang. Mình cũng muốn cảm ơn tác giả Nguyễn Thùy Dung vì đã đọc, đã viết và đã chia sẻ để tình yêu với tiếng Việt, với viết ngày càng lan tỏa.