top of page
  • Writer's pictureHòa Lương

Không sợ chậm Chỉ sợ dừng

Ở Không sợ chậm Chỉ sợ dừng, Vãn Tình vẫn nhất quán trong việc định hướng phong cách sống khí chất, tự tin và hạnh phúc cho nữ giới. Có nhiều thứ khiến chúng ta đi chậm hơn nhưng quan trọng là bạn không được dừng lại.


Tên sách: Không sợ chậm chỉ sợ dừng

Tác giả: Vãn Tình (Huỳnh Nhã Thy dịch)

Giá bìa: 129.000 đồng

Nhà xuất bản: Thế Giới

Đơn vị phát hành: Bloom Books



Nội dung tóm tắt:


Giống như những cuốn sách khác, Không sợ chậm Chỉ sợ dừng là cuốn sách tập hợp những bài viết của Vãn Tình xoay quanh câu chuyện cuộc sống của nữ giới. Thông qua những câu chuyện của bản thân và mọi người xung quanh, Vãn Tình đưa ra những đánh giá vừa sắc sảo, quyết đoán vừa thông minh, hợp tình. Nhờ đó mà các độc giả, nhất là độc giả nữ biết cách sống một cuộc đời như quả dứa gai, đội vương miện, ngẩng cao đầu, bên ngoài gai góc, bên trong ngọt ngào.


5 bài học từ cuốn sách Không sợ chậm Chỉ sợ dừng


Trân trọng bản thân: Ích kỷ một chút cũng không sao


Trân trọng bản thân nghe có vẻ đơn giản và dĩ nhiên nhưng nhiều cô gái ngoài kia vẫn chưa nhận ra hoặc chưa thể làm được điều đó. Nếu là người có tìm hiểu về xã hội Trung Quốc hoặc đã từng đọc những cuốn sách trước đó của Vãn Tình thì sẽ thấy những người phụ nữ ở đó vẫn còn chịu nhiều định kiến về giới, nhiều thiệt thòi trong đời sống gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy mà không ít người quên mất việc trân trọng bản thân, lúc nào cũng hành động và suy nghĩ vì người khác, sợ người khác buồn lòng hoặc gièm pha. Đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình.


Trong bài viết Cuộc sống dễ chịu hơn nhiều kể từ khi tôi trở thành “bà la sát”, tác giả chia sẻ về một người bạn cũ và một độc giả. Cả hai người đều từng là những cô gái nhẫn nhịn. Ở nhà bố mẹ đẻ thì họ nhẫn nhịn bố mẹ anh chị em, đi làm thì nhẫn nhịn sếp và đồng nghiệp, lấy chồng thì nhẫn nhịn chồng và gia đình chồng. Nhưng càng nhẫn nhịn thì người xung quanh càng lấn lướt họ, ép họ tới mức đường cùng. Cuối cùng họ phải vùng lên để bảo vệ bản thân, giành lấy những quyền lợi đáng có cho mình.


Cô gái trong bài “Lòng hiếu thảo” đang làm bạn hao mòn cũng vì luôn tìm cách làm cho mẹ vui lòng, trả nợ bài bạc cho em trai hết lần này đến lần khác mà làm cho cuộc sống của gia đình riêng bị xáo trộn.


Suy cho cùng, là con người, nhất lại là con gái thì cứ nên trân trọng bản thân trước đã, ích kỷ một chút cũng sao. Những gì bạn muốn làm cho người khác, nhất định phải chọn người xứng đáng. Đừng vì huyết thống, mối quan hệ hay tính cả nể mà để mình phải chịu thiệt thòi vì những người không xứng. Người ta chỉ có thể tôn trọng bạn nếu bạn biết trân trọng chính mình. Không cả nể mới là cách để mọi chuyện êm ấm.


Không sợ nền tảng thấp, chỉ sợ không đủ cố gắng


Xã hội ngày này có không ít cô gái thích lấy chồng giàu, được ăn sung mặc sướng mà không cần phải làm gì cực nhọc. Ngược lại cũng có không ít lãnh đạo cao cấp hay doanh nhân bản lĩnh là nữ giới. Là phụ nữ, nếu không thể độc lập về tài chính thì bạn cũng nên là người tự lập về tư duy, cách hành động để có ở nhà quán xuyến gia đình vẫn vẫn không bị chồng khinh khi, bạn bè xem thường.


Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn vẫn duy trì được một công việc, một nguồn thu nhập để có thể tự do. Làm việc đương nhiên sẽ vất vả hơn nhưng nếu tiêu tiền của chồng mà bị chồng sỉ nhục, gia đình chồng mỉa mai thì càng nhục nhằn hơn nữa.


Cô gái trong Nếu biết nỗ lực thay vì viện cớ thì đã sớm thành công rồi mặc dù ban đầu khí thế hừng hực tìm cách nâng cao thu nhập nhưng làm gì cũng hấp tấp và nửa vời nên thất bại. Cuối cùng cô lại đổ thừa do fanpage hết thời, không có cộng đồng riêng, không được mọi người yêu mến như tác giả và vẫn tiếp tục sống một cuộc đời không như ý.


Cũng có cô gái như trong bài Là con gái nhất định không được cam chịu số phận từ khi ở quê nghèo lên thành phố vẫn không ngừng nỗ lực học tập và làm việc, nâng cao giá trị của bản thân, tuân thủ những nguyên tắc sống của mình và có niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Mặc dù kết hôn muộn nhưng cô đã lấy được người chồng tài giỏi, yêu thương vợ, xây dựng được sự nghiệp riêng rực rỡ.


Làm người không sợ nền tảng gia đình hay bản thân không tốt, chỉ sợ ngay cả năng lực và nhận thức cũng thấp mà thôi. Khi bạn không ngừng cố gắng và nâng cấp chính mình thì sớm muộn gì cũng nhận được thành quả.


Tin vào bản thân: Sống có nguyên tắc riêng


Những người thất bại không phải lúc nào cũng là người thiếu năng lực mà có khi lại là những người thiếu niềm tin vào bản thân và chẳng có nổi cho mình một nguyên tắc riêng. Ngược lại, người tự tin, sống và làm việc một cách nguyên tắc, kỷ luật thì sớm muộn cũng thành công và hạnh phúc.


Vãn Tình có kể về một cô gái luôn cho rằng mình xuất thân từ vùng quê có công việc đã tốt rồi nên mười mấy năm trời vẫn chỉ làm một nhân viên bán trái cây; cho rằng mình không thể với tới những chàng trai tốt nên lấy phải một người chồng không ra gì, sau cùng anh ta còn ngoại tình mà cô vẫn mặc định đàn ông đều thế. Cuối cùng cả cuộc đời cô đã xảy ra theo đúng như cách mà cô nghĩ, cô tin.


Tuy nhiên, nhiều cô gái khác không như vậy. Chính tác giả cũng là một người sống cực kỳ kỷ luật với những nguyên tắc riêng của mình. Bất kể là mẹ đẻ, chồng hay đồng nghiệp, bạn bè cũng khó làm lung lay được cô. Khi có ý định sửa nhà, dù có một đơn vị đưa ra giá thấp hơn nhưng cô vẫn chọn đơn vị đắt đỏ hơn nhiều lần. Nguyên nhân không phải vì cô chọn theo thương hiệu mà là vì cách làm việc chuyên nghiệp và nhanh chóng của họ đã khiến cô tin tưởng. Hoặc là một lần nhân viên bên đối tác làm sai nhưng lại nhờ cô nhận lỗi để bảo vệ cô ta, Vãn Tình sẵn sàng hủy hợp đồng dù phải mất một số tiền lớn.


Ngay cả trong hôn nhân và mối quan hệ gia đình, Vãn Tình cũng là người dùng lý trí để theo sát nguyên tắc sống của mình. Cô không can thiệp vào chuyện nhà người khác, không thích nghe những lời than vãn. Ngay cả chồng cô cũng không được phép đòi hỏi vợ phải toàn diện. Như lời của cô thì trong hôn nhân người chồng không thể đòi hỏi vợ mình vừa kiếm tiền giỏi lại vừa chăm con tốt, chiều chuộng chồng hết mực. Cô dạy chồng về cách chấp nhận và hài lòng vì những gì đang có bởi không phải ai cũng có một người vợ tốt như cô.


Sự tự tin và lối sống có nguyên tắc riêng của Vãn Tình giúp cô ngày càng thành công bên cạnh cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhiều niềm vui.


Phẩm cách là thứ quan trọng nhất của một cô gái


Những cuốn sách của Vãn Tình từ Bạn đắt giá bao nhiêu, Khí chất bao nhiêu hạnh phúc bấy nhiêu, Không tự khinh bỉ không tự phí hoài… cho tới Không sợ chậm Chỉ sợ dừng vẫn luôn hướng nữ giới tới việc hình thành khí chất và phẩm cách thật sự của một quý cô.


Đôi bạn thân trong bài Trong hôn nhân, mong bạn sớm hiểu được những đạo lý này một người đi ra ngoài kiếm tiền giỏi giang, một người ở nhà làm nội trợ đảm đang. Người ngoài nhìn vào và chính cô gái đi làm cũng nghĩ người kiếm được nhiều tiền sẽ đáng kính hơn còn người ở nhà nội trợ thì không đáng xem trọng bằng. Nhưng sau cùng cô gái ở nhà hạnh phúc hơn vì dù không ra ngoài kiếm tiền nhưng cô vẫn có giá trị, có khí chất của một người phụ nữ hết lòng yêu chồng thương con. Cô trở thành một sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình, giúp chồng và con trai vẫn thương nhau dù không được ở bên nhau nhiều. Còn cô bạn kiếm được nhiều tiền lại thường cằn nhằn chồng, xem chồng là người phải chủ động yêu chiều mình. Lâu dần chồng cô không chịu được nên đã ly hôn. Lúc ấy cô mới nhận ra mình đã đối xử sai với chồng. Khí chất của một người phụ nữ không phải là tỏ ra mạnh mẽ, gai góc, không thua kém đàn ông mà là giữ được phẩm chất của mình, khiến cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc.


Hay như bạn thân của cô trong Ai hiểu được hai chữ “vị tha” đều là những người công thành danh toại vì lương thiện mà chịu không ít thiệt thòi nhưng từ đầu tới cuối đều không đổi sơ tâm. Sau này khi cô kinh doanh, những người từng được giúp đỡ đều quay lại ủng hộ cô.


Với một cô gái, phẩm cách là thứ cần tu dưỡng cả đời. Khi có nhân phẩm tốt thì dù không phải là một cô gái lanh lợi, kiếm tiền giỏi cũng đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc.


Bài viết liên quan:
Có phong cách riêng - Đặng Trầm

Không được mơ hồ, không nên trì hoãn, không thiếu kiên trì


Từ những bài đầu tiên cho tới những bài cuối cùng của cuốn sách, Vãn Tình không ít lần đề cập đến việc không được mơ hồ, không nên trì hoãn, không thiếu kiên trì là chìa khóa cho sự thành công của một người. Cách duy nhất để vượt qua hoang mang và mơ hồ không gì hơn là “nghĩ ít đi, làm nhiều hơn”.


Sự mơ hồ bao giờ cũng kéo theo cảm giác hoang mang. Thế nên muốn trở thành ai đó chi bằng trước hết hãy xác định xem mình muốn gì, mình có sở trường gì, mình làm như thế nào để đạt được điều ấy. Bạn càng rõ ràng, càng kỷ luật và có kế hoạch làm việc cụ thể bao nhiêu thì tỉ lệ thành công càng lớn bấy nhiêu.


Đến cuối cùng thì cuộc sống của bạn, cách mọi người nhìn bạn chỉ thay đổi khi bạn cũng thay đổi theo hướng tốt hơn và phải tốt hơn nhiều. Tập trung vào việc phát triển sự nghiệp của bản thân, không trì hoãn, không ỷ lại, càng kỷ luật bạn càng đến gần hơn với tự do.


Vãn Tình đã mất nhiều thời gian để cố gắng thay đổi bố mẹ nhưng không được. Đến khi cô thành công, kiếm được nhiều tiền, có một gia đình hạnh phúc và chẳng còn bận tâm thay đổi bố mẹ nữa thì chính họ lại là người nhìn vào con gái mà sống khác đi.


Không có việc gì trên đời là dễ dàng, có những việc tính bằng hằng chục năm. Cuốn sách Không sợ chậm Chỉ sợ dừng cho độc giả hiểu rằng nếu bạn vẫn mãi sống trong mơ hồ, trì hoãn, không cố gắng, không có nguyên tắc riêng thì e là cả đời bạn sẽ mãi sống theo cách người khác muốn. Đừng quên là “càng kỷ luật càng tự do”.


Hòa Lương



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hòa Lương và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

25 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page