Hồng Thủy
Kỉ luật mềm của trái tim
Updated: Aug 29, 2022
Nếu bạn đang muốn tìm những gợi ý để xây dựng tính kỉ luật cho con ngay từ 0-6 tuổi, giúp con tạo lập thói quen tự làm những việc phù hợp lứa tuổi thì cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim” chính là dành cho bạn.

Tên sách: Kỉ luật mềm của trái tim
Tác giả: Nguyễn Thị Thu
Giá bìa: 65.000
Nhà xuất bản: Kim Đồng
Tóm tắt nội dung: “Kỉ luật mềm” vừa là sự cứng rắn khi đặt ra và thực hiện các nguyên tắc, đó cũng vừa là sự mềm mỏng, linh hoạt, tinh tế trong cách giao tiếp, ứng xử của mẹ dành cho con. Tác giả cuốn sách, chị Aki Nguyễn với hơn 11 năm học tập, làm việc tại Nhật Bản đã cho thấy chiến lược nuôi con “lạt mềm buộc chặt” chính là chìa khóa để cha mẹ vượt qua các vấn đề của con trong giai đoạn khủng hoảng, để giúp con xây dựng năng lực sống tự chủ, tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Có một khái niệm về hạnh phúc rất khác trong “Kỉ luật mềm của trái tim”
Làm cha mẹ, ai cũng có mong muốn con mình được bình an và hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thật sự?
Hạnh phúc không phải đến từ những thứ cha mẹ mang lại cho trẻ, không phải chúng ta cứ mang đến cho con sự quan tâm, tình yêu, sự đủ đầy sung túc là con hạnh phúc. Mà đó nên là điều trẻ tự cảm nhận, tự tìm thấy trong cuộc sống. Nhiệm vụ của cha mẹ chỉ là đồng hành cùng con, giúp con xây dựng những giá trị để cảm nhận hạnh phúc. Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Hạnh phúc là khi được là chính mình". Bạn không cần được thừa nhận bởi người khác, chỉ cần bạn thừa nhận bản thân.
Tác giả Aki Nguyễn cũng đưa vào một câu nói rất ý nghĩa về việc nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc mà mình rất tâm đắc:
"Nuôi dưỡng những đứa trẻ dù trong nghịch cảnh vẫn trở nên hạnh phúc, chứ không phải nuôi dưỡng những đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc" -Hoàng hậu Nhật Bản Michiko.
Giờ thì mình hiểu ra vì sao ngày nay, có rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình êm ấm, điều kiện sung túc, bản thân có tài năng nhưng vẫn thấy mình cô đơn, lạc lõng và không tìm ra hạnh phúc của mình.
Liệu trẻ con có phải là một sinh vật “rất khó hiểu và khó chiều” như người lớn nghĩ?
Những năm gần đây người làm cha mẹ đã quá quen với cụm từ “giai đoạn khủng hoảng” của trẻ theo các độ tuổi, như “khủng hoảng tuổi lên 2”, “khủng hoảng tuổi lên 3”, “khủng hoảng tuổi dậy thì”. Nhưng bạn sẽ không tìm thấy cụm từ này trong cuốn “Kỉ luật mềm của trái tim”, vì tác giả có cách gọi tên khác cho nó, đó là “thời kỳ phản kháng”.
Chính xác thì những cơn khóc lóc mè nheo, dỗi hờn ăn vạ của trẻ xuất phát từ đâu? Tại sao nó không kết thúc mà mỗi độ tuổi sự “phản kháng” của trẻ lại có xu hướng tăng lên? Cha mẹ có thể làm gì trong từng giai đoạn này?
Cuốn sách không chỉ có những gợi ý cụ thể cho cha mẹ rằng cần phải làm gì để đối phó trong từng tình huống cụ thể khi con khóc, con mè nheo, mà còn mang đến kim chỉ nam để cha mẹ chuẩn bị tâm thế bình tĩnh. Để biết giai đoạn nào thì nên vỗ về, lúc nào nên mặc kệ và khi nào thì cần cứng rắn nghiêm khắc. Và chiếc kim chỉ nam đó nằm gọn trong 7 chữ: “HÃY THỪA NHẬN CẢM XÚC CỦA CON”.
Chỉ khi cha mẹ công nhận cảm xúc của con, giúp con tự mình nhận ra và vượt qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, thì mới hình thành nên năng lực tự kiềm chế bản thân (self-control).
Chính điều này sẽ giúp con kiên nhẫn hơn và không dễ dàng bỏ cuộc.
Cuối cùng, tự lập là kỹ năng hay năng lực?
Trong cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim” có hai khái niệm rất sâu sắc mà tác giả tiếp thu từ người Nhật, đó là “năng lực nội tâm” và “năng lực sống”.
“Muốn con dù trong nghịch cảnh vẫn trở nên hạnh phúc, cha mẹ cần giúp trẻ rèn luyện những kĩ năng cần thiết để làm chủ cuộc đời mình, đó chính là nuôi dưỡng năng lực nội tâm”.
Năng lực nội tâm liên quan đến khả năng tự kiềm chế, tự quyết định và chịu trách nhiệm, còn năng lực sống là năng lực giúp trẻ thích nghi với cuộc sống xã hội, thể hiện trên 3 phương diện:
- Tri thức
- Tính nhân văn
- Thể chất
Điều đặc biệt là "năng lực sống" trong quan niệm của người Nhật, khác với “kỹ năng sống” trong suy nghĩ của người Việt. Bạn muốn tìm hiểu thêm về cách dạy con kiểu Nhật, có thể tham khảo trong bộ 3 cuốn sách: "Dạy con kiểu Nhật" giai đoạn 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi của tác giả Kubota Kisou.
Cha mẹ Nhật sẽ không gửi con đến các lớp học kĩ năng sống bởi họ tin rằng chính cha mẹ mới là người quan trọng nhất giúp con rèn luyện những kĩ năng ấy tại chính gia đình mình. Từ những thói quen sinh hoạt hàng ngày, từ những trải nghiệm khi giao tiếp, tiếp xúc với cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Và từ việc có những trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ - cái mà trẻ em ở thành phố ngày nay đang thiếu hụt.
Trên đây chỉ là một số những cảm nhận tâm đắc của mình sau 2 lần nghiền ngẫm cuốn sách “Kỉ luật mềm của trái tim”. Mình tin rằng mỗi người cha, người mẹ khi đọc sẽ tìm thấy cho mình điều hữu ích để áp dụng cho gia đình mình, qua những chia sẻ chân thành mà tác giả Nguyễn Thị Thu muốn gửi gắm.