top of page
  • Writer's picturetrangduongtd

Làm thế nào để đọc sách Self-Help hiệu quả?

Updated: Aug 30, 2022


Như cái tên của chúng, Self-Help là dòng sách giúp bạn có được giải pháp và động lực để tự giải quyết các vấn đề của bản thân. Đó có thể là một cuốn sách về kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, hướng nghiệp, chữa Lành, và nuôi dưỡng cảm xúc,… Điều khác biệt giữa sách Self-Help và các loại khác đó là, đây không phải là cuốn sách chỉ dành để đọc. Nếu bạn không suy ngẫm, không thực hành, không chủ động sử dụng các phương pháp của cuốn sách để áp dụng cho bản thân, vậy thì bạn đã bỏ qua chức năng quan trọng nhất của dòng sách này rồi.


Vậy làm thế nào để đọc sách Self-Help hiệu quả và đúng đắn nhất?


Ảnh: Wix


1. Hãy soi chiếu về nhu cầu của bản thân trước khi mua sách.

Phương pháp soi chiếu luôn là một cách giúp chúng ta nhận định vấn đề của bản thân hiệu quả nhất. Đây cũng là cách giúp chúng ta tìm được cuốn sách phù hợp với vấn đề của mình. Dưới đây là 3 câu hỏi trang Advaral đã gợi ý để ta nhận ra đây có phải là cuốn sách mình cần tìm hay không:

Tại sao tôi chọn cuốn sách này trong số rất nhiều cuốn sách trên thị trường?
Những thay đổi mà nó sẽ mang lại cho tôi là gì?
Cuộc sống của tôi sẽ tiến bộ như thế nào sau những thay đổi tôi có được?

Trước khi quyết định mua một cuốn sách self-help, bạn cần suy nghĩ thật sâu để tìm câu trả lời thỏa đáng cho 3 câu hỏi này. Với cách này, bạn sẽ tìm ra vấn đề của bản thân, mua được cuốn sách phù hợp và cảm thấy đáng giá khi đầu tư thời gian và năng lượng vào cuốn sách này.


2. Tự mình lựa chọn cuốn sách của riêng mình.

Từ những nghiên cưú và số liệu chuyên ngành sách, trang Advaral đã đưa ra kết quả về thói quen mua sách của các độc giả. Đó là chúng ta thường sẽ tìm những cuốn sách được đánh giá cao và mua nó. Nhưng đây không phải là cách lựa chọn phù hợp dành cho dòng sách Self-help. Advaral đã đưa ra lời khuyên rằng chúng ta nên tìm đến mục lục của cuốn sách để hiểu tác giả sẽ truyền tải những gì trong cuốn sách và sau đó phân tích xem nó có phù hợp nhất với nhu cầu của bạn hay không? Với quy trình này, ta đang tự mình lựa chọn cuốn sách phù hợp với bản thân và sẽ cảm thấy háo hức khi đọc nó.


3. Nhìn lướt qua trước khi bắt đầu

Hãy đọc lướt qua từng chương để có cái nhìn toàn cảnh về nó. Bắt đầu bằng cách đọc nhanh một chương cụ thể, sau đó thay vì vội vàng sang chương tiếp theo, hãy quay lại và đọc lại chương hiện tại một cách kỹ lưỡng. Làm điều này sẽ có nghĩa là tiết kiệm thời gian và nhận được nhiều kết quả tốt hơn về lâu dài.

Bạn có thể đặt ra phần thưởng cho bản thân khi hoàn thành cuốn sách. Nhưng đừng để bị phần thưởng thu hút và đọc vội vã. Hãy nhớ bạn không đọc để giải trí hay tham khảo, bạn đang học một kỹ năng mới giúp nâng tầm cuộc sống hiện tại của bạn.


4. Hãy dừng lại cho đến khi bạn cảm thấy tự tin!

Bạn hoàn toàn có thể dừng lại và suy nghĩ về những gì bạn vừa đọc. Những người đọc hiệu quả thường nghĩ hoặc suy ngẫm về những gì họ đọc. Họ tóm tắt nhẩm các điểm hoặc sự kiện chính trong tác phẩm, hoặc thậm chí tìm đến các nguồn khác để tìm thêm thông tin về chủ đề của bài đọc. Hãy tiếp tục các chương tiếp theo khi bạn cảm thấy mình đã có một bức tranh hoàn chỉnh về những gì bạn vừa đọc.


5. Bạn không cần phải hoàn tất tất cả các chương của một cuốn sách.

Không phải tất cả những gì được viết trong cuốn sách cũng phù hợp với bạn. Nếu bạn cảm thấy chương ấy không phù hợp với cảm xúc của mình, hãy bỏ qua nó và tiếp tục các chương khác. Bạn có thể đọc lại những chương đã bỏ qua khi đã sẵn sàng. Hãy để các cuốn sách làm đúng nhiệm vụ của nó: tạo động lực tích cực bên trong bạn.

Khi đọc lướt cuốn sách Con Đường Trở Thành Freelance Writer, mình đã quyết định không đọc kỹ chương nói về thu nhập của tác giả. Nhiều bạn đọc khác cảm thấy có được động lực tốt từ đó nhưng riêng mình lại cảm thấy bị áp lực và bị ám ảnh bởi thu nhập của chị ấy. Trước khi đến với nghề, mình đã xác định sẽ không làm chỉ để kiếm tiền. Nhưng thu nhập tuyệt vời mà chị ấy có được khiến mình bị hấp dẫn và đẩy mình khỏi mục đích ban đầu, mà chỉ nghĩ tới làm sao để có thu nhập đó. Chính vì thế khi nhận ra nỗi sợ, mình đã không tiếp tục đọc chương sách này. Gần đây, khi đã đủ tỉnh táo về những gì mình đang làm cho công việc, mình mới hoàn thành chương ấy.


6. Hãy đọc và học hỏi

Với các dòng sách khác, việc học sẽ phụ thuộc vào việc ghi nhớ. Nhưng với dòng Self-help, ngoài ghi nhớ, chúng ta cần phải thực hành nữa.

Khi đọc sách Sức Mạnh của Hiện tại, mình đã thực hành việc chú tâm vào hiện tại bằng cách thực hiện theo ví dụ của tác giả, để tâm thanh tĩnh và chăm chú nhìn chiếc lá rơi ngoài của sổ. Khi đó mình đã trải nghiệm được sự bình an ngay trong khoảnh khắc ấy. Không còn ngổn ngang những nỗi lo và hoang mang về cuộc sống, chỉ có mình và chiếc lá trong phút giây ấy, và mình nhận ra mình vẫn đang rất ổn hơn bao giờ hết. Như tác giả đã nói, dù có vấn đề hay rắc rối gì đang xảy ra với bạn, bạn vẫn luôn an ổn trong phút giây hiện tại.


Bạn luôn là người chủ động trong việc lựa chọn sách phù hợp với bản thân để đọc. Có rất nhiều cách để tận hưởng cuốn sách trọn vẹn nhất và có thể bạn cũng có những cách thức của riêng mình. Nhưng có một yếu tố quan trọng hơn tất cả mọi quy tắc hay cách thức, đó là quyết tâm của bạn trong việc muốn thoát khỏi vấn đề mà bạn đang gặp phải. Chỉ cần có quyết tâm đó, bạn sẽ luôn có cách để biến các cuốn sách Self-help thành động lực và công cụ giúp bạn giải quyết vấn đề.



Thùy Trang



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thùy Trang và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
10 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page