Hòa Hòa
Lịch sử ung thư – hoàng đế của bách bệnh
Updated: Aug 30, 2022
Ung thư vẫn luôn là một căn bệnh đáng sợ và ám ảnh mà sự hiểu biết về nó vẫn còn quá mơ hồ đối với hầu hết người bình thường chúng ta. Bằng ngôn ngữ đời thường dễ hiểu “Lịch sử ung thư – hoàng đế của bách bệnh” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lai lịch của căn bệnh này và những bước tiến trong việc điều trị.

Tên sách: Lịch sử ung thư – hoàng đế của bách bệnh
Tác giả: Siddhartha Mukherjee
Giá bán: 289.000
Nhà xuất bản: Dân trí
Đơn vị phát hành: Omega+
Tóm tắt nội dung
Bắt đầu từ câu hỏi của một nữ bệnh nhân “Tôi sẵn sàng tiếp tục, nhưng tôi cần phải biết là tôi đang chiến đấu với cái gì?”, Siddhartha Mukherjee đã viết cuốn sách về lịch sử Ung thư gần 700 trang. Không đơn thuần là một quyển sách khoa học với các kiến thức y khoa khô khan, tác giả còn kể cho chúng ta nghe về một câu chuyện lịch sử đầy bi tráng trong cuộc chiến với bệnh Ưng thư suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Những nỗi đau của người bệnh, những tâm huyết của những y bác sĩ, những công trình nghiên cứu các phương thức điều trị của các nhà khoa học… được tác giả khéo léo kể lại bằng ngôn từ dung dị, đầy tinh tế và cuốn hút.
Siddhartha Mukherjee sinh năm 1970 là một nhà sinh vật học, bác sĩ chuyên khoa ung thư người Mỹ, gốc Ấn. Cuốn sách “Lịch sử ung thư – Hoàng đế bách bệnh” là một bước tiến trong sự nghiệp của ông. Ra mắt vào năm 2011, cuốn sách được trao giải Pulitzer cho hạng mục sách Phi hư cấu, được tạp chí Time vinh danh là một trong 100 tác phẩm có ảnh hưởng nhất thập niên 2000.
Có một vùng đất mang tên Vương quốc Ung thư tồn tại suốt chiều dài của lịch sử nhân loại
Lịch sử của vùng đất ấy được ghi nhận lần đầu tiên vào 2625 TCN, tại phòng khám tên là Imhotep ở Ai Cập cổ đại, với ghi chú của bác sĩ thời đó là “không có cách điều trị”.
Năm 440 TCN, trong cuốn “Histonic” sử gia Hy Lạp Herodotus đã mô tả bệnh ung thư vú của công chúa Ba Tư tên là Atossa qua câu chuyện về cuộc phẫu thuật cắt khối u đầu tiên trong lịch sử được thực hiện bởi một nô lệ Hy Lạp tên Democedes.
Ở Trace, Hy Lạp cổ đại vào năm 400 TCN, ung thư xuất hiện trong y văn với tên gọi là karkinos có nghĩa là con cua. Ông tổ của nền y học - Hippocrates cho rằng ung thư là sự mất cân bằng giữa bốn thể dịch trong cơ thể: máu, mật đen, mật vàng và đờm.
Năm 160, thầy thuốc La Mã Claudius Galen tiếp nhận lý thuyết của Hippocrate, ông phân loại bệnh tật dựa trên sự dư thừa thể dịch và cho rằng sự dư thừa mật đen là nguyên nhân gây ra ung thư. Dù không thể tìm thấy mật đen gây ung thư nhưng ông lại tìm ra một cái tên cho căn bệnh u sầu là melancholia.
Trải qua hàng ngàn năm, ung thư lẩn khất trong đời sống của con người mà không có một câu trả lời rõ ràng. Đến thế kỷ 19, cha đẻ của nền Y học hiện đại - Rudolph Virchow đã phát triển lý thuyết về tế bào: Tế bào chỉ sinh ra từ tế bào “omnis cellula e cellula” mở đường cho những bước tiến mới trong việc điều trị ung thư. William Halsted phẫu thuật vú tận gốc để loại bỏ khối u, Emil Grubbe sử dụng tia X để điều trị, Franz Ernst Christian Neumann nghiên cứu tế bào gốc và tìm thấy ung thư máu bắt đầu từ tủy xương.
Thế kỷ 20, Sidney Faber sử dụng thuốc kháng folate trong điều trị bệnh ung thư máu ở trẻ em. Louis Goodman và Alfred Gilman sử dụng hoá trị liệu bằng mù tạt nitơ để chữa trị lymphoma. Viện Ung thư Quốc gia (NCI) giới thiệu các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra sự hiệu quả của hóa trị.
“ Đan xen bên dưới những ý nghĩa về y học, văn hoá và ẩn dụ của ung thư trải suốt hàng thế kỷ là sự hiểu biết sinh lý bệnh học – sự hiểu biết đã được định hình một cách triệt để qua nhiều thập niên. Giờ đây, chúng ta đã biết ung thư là một bệnh gây ra bởi sự đột biến mất kiểm soát – sự thay đổi trong DNA đặc biệt tác động lên các gene gây ra sự tăng sinh tế bào vô hạn. Ở tế bào bình thường, những chu trình mạnh mẽ về di truyền điều tiết sự tăng sinh cũng như sự chết của tế bào. Trong tế bào ung thư, những chu trình này bị phá vỡ, đẩy tế bào vào sự phát triển không thể ngừng lại được.”
Một cuộc chiến đấu bền bỉ để thoát ra khỏi vương quốc ung thư
Như một định mệnh nghiệt ngã của số phận, mỗi con người bị đẩy vào vương quốc ung thư đều phải đối mặt với những nỗi đau và sự thua cuộc phần nhiều nghiêng về con người. Khối u – onkos như người Hy Lạp cổ đại mô tả có nghĩa là gánh nặng mang ở trong gene của chúng ta. Khi nó biểu hiện trong cơ thể người bệnh, sự tàn phá của nó thật tàn khốc. “Một bệnh nhân, rất lâu trước khi trở thành chủ thể được y học quan tâm, đơn giản chỉ là một người kể chuyện, một người tường thuật lại sự đau khổ - một người du khách đã đến thăm vương quốc của bệnh tật. Để giải phóng bệnh tật, người ta phải bắt đầu bằng việc tâm tình về câu chuyện của mình.”
Và người lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân chính là các y bác sĩ. Họ lắng nghe và tìm cách thấu hiểu căn bệnh thông qua quá trình điều trị. Đó là một hành trình xuyên thời gian suốt hàng thế kỷ bên trong những căn phòng chữa trị của bệnh viện. Ở đó, bác sĩ đồng hành cùng bệnh nhân, trải qua những tìm tòi và nghiên cứu thử nghiệm các phương thức và phương thuốc trị bệnh.
Bí ẩn, mơ hồ, có lúc bị rơi vào lãng quên, ung thư vẫn là nỗi ám ảnh kéo dài không hồi kết. Để ra được phác đồ điều trị, chẩn đoán các giai đoạn của ung thư là một hành trình không mệt mỏi. Thực tại nghiệt ngã cùng những lần mò trong đêm trường để đi tìm hy vọng cho người bệnh, cuộc chiến ung thư chưa bao giờ dừng lại ở phía sau cánh cổng bệnh viện.
Đó còn là các chiến dịch về chính trị, kinh tế nhằm kêu gọi sự chú ý và quan tâm đúng mức về căn bệnh ung thư mà tiêu biểu là chương trình kêu gọi gây quỹ nghiên cứu ung thư của bác sĩ Faber và Mary Lasker.
Đó còn là nỗ lực xây dựng các chương trình dịch tễ học, những cuộc đấu tranh chống lại những nghiên cứu giả khoa học, đấu tranh bảo vệ người lao động trong các công việc phơi nhiễm chất độc hại, chiến dịch nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá gây ung thư phổi.
Đó còn là việc xây dựng lối sống lành mạnh và chủ động phòng chống ung thư qua việc phát hiện sớm tiền ung thư.
Nhưng làm sao, với sự tiến bộ vậy, ung thư vẫn tồn tại?
Bởi cuộc sống ngày càng tiến lên cùng với những vòng quay, con người liên tục đối mặt với những thách thức trong công cuộc bảo vệ sức khoẻ của mình. Ung thư vẫn là căn bệnh mang nhiều gánh nặng của nhân loại.
Đối mặt: đi về phía Hy vọng
“Nó là câu chuyện về tính sáng tạo, sự trỗi dậy, sự kiên trì chống lại điều mà một nhà văn gọi là “kẻ thù ác độc và dai dẳng” nhất trong số các loại bệnh tật mà loài người phải chịu. Nhưng đó cũng sẽ là câu chuyện của niềm tin, ý chí, trách nhiệm, thất vọng, hão huyền, lừa dối đới với căn bệnh mà ba thập niên qua người ta nói là “có thể chữa lành” trong một vài năm.”
Trần trụi và tàn khốc, thực tế cuộc chiến với ung thư vẫn là một cuộc chiến chưa có hồi kết mà câu hỏi “tôi đang chiến đấu với cái gì?” vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời rốt ráo. Thế nhưng, những nỗ lực tìm tòi nghiên cứu của các nhà khoa học và các bác sĩ cũng như sự ra đi của các bệnh nhân được kể trong cuốn sách là những điều không hề lãng phí hay vô nghĩa. Chúng ta đã hiểu hơn về những bí ẩn đáng sợ của căn bệnh mệnh danh là Hoàng đế của mọi bệnh tật. Hiểu hơn rồi thì sẽ bình tĩnh chấp nhận và đối mặt hơn.
Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ có một sức khoẻ thật tốt, một tinh thần thật vững vàng.