top of page
  • Writer's pictureThúy Ngô

6 mẹo đọc sách trước khi đi ngủ cho trẻ cha mẹ nên biết

Updated: Jan 5

Giống như người lớn thường đọc trước khi đi ngủ để thư giãn, trẻ con cũng có thể hưởng lợi ích từ việc này. Vậy làm thế nào để trẻ hứng thú với việc đọc sách và có thói quen đọc trước khi ngủ?

Sau đây là một số cách mình đã học được và áp dụng hiệu quả khi đọc với cháu mình, hy vọng sẽ hữu ích cho bạn!



Hãy để trẻ chọn sách


Trẻ có xu hướng hào hứng hơn với quyển sách chúng thích. Vì vậy, hãy để chúng chọn sách, ngay cả khi chúng chọn một cuốn quá phức tạp so với tuổi thì nhiều khả năng chúng đang thích những bức tranh trong đó.


Khuyến khích trẻ tìm kiếm những câu chuyện chúng thích một cách tự do không chỉ giúp chúng hứng thú với việc đọc sách mà còn giúp chúng học cách đưa ra quyết định. Theo nghiên cứu năm 2011 của Clark và Poulton, những đứa trẻ có những cuốn sách yêu thích khi còn nhỏ có xu hướng thích đọc hơn và học giỏi hơn ở trường.


Đọc một cách vui vẻ


Với mình, đây là điều quan trọng nhất, vì trẻ càng có nhiều niềm vui thì càng hứng thú tham gia vào câu chuyện. Mình thường đọc với giọng vui nhộn, điều chỉnh giọng cao thấp theo mạch câu chuyện. Thỉnh thoảng, mình cũng giả tiếng động vật để giúp trẻ khỏi nhàm chán.


Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số hành động theo các nhân vật trong sách. Bất cứ điều gì làm cho câu chuyện kích thích hơn sẽ làm cho giờ kể chuyện trở nên vui vẻ hơn.


Đọc sách thường xuyên


Có phải “con nít thường thích nghe đi nghe lại một câu chuyện mà nó thích không?” Thực tế là có. Vì trẻ nhỏ thích sự lặp lại, đặc biệt là trẻ dưới 15 tháng tuổi. Vì vậy, bạn hãy kiên trì đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách một thời gian, miễn là đứa trẻ thích.


Điều này sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và tăng cường trí nhớ. Lần đầu tiên nghe một câu chuyện, trẻ sẽ không nắm bắt được hết mọi thứ nhưng nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ giúp trẻ làm quen với các từ và thiết lập các mẫu câu mới.


Đọc theo tốc độ của trẻ


Điều cần lưu ý là hãy để trẻ thiết lập tốc độ của riêng mình và vui vẻ với bất cứ điều gì trẻ đang làm. Nếu bạn đang đọc mà trẻ hỏi bạn một câu hỏi, hãy dừng lại và trả lời, bất kể việc này khiến bạn không thể hoàn thành tiến độ đọc như mong muốn. Bạn cũng có thể dừng lại lâu hơn để trẻ xem những bức tranh. Yêu cầu trẻ gọi tên những thứ chúng nhìn thấy trong tranh. Mô tả các bức tranh cũng là cách để trẻ học cách nhận biết cuộc sống.


Đọc sách không đơn thuần là hoàn thành một quyển sách, khám phá một câu chuyện. Sách còn có thể giúp trẻ mở rộng thế giới quan, tự tin bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc và giải quyết những vấn đề của chính chúng.


Hiển nhiên việc này cần có chút kiên nhẫn vì thực tế vốn chẳng như kỳ vọng. Ví như cháu mình vốn luôn có rất nhiều câu hỏi. Ban đầu mình hơi khó chịu vì mọi thứ không như kế hoạch. Nhưng dần mình hiểu ra chính những câu trả lời, những câu chuyện phát triển thêm từ nội dung sách giúp trẻ nhớ lâu hơn và hứng thú với việc đọc hơn. Đây là ví dụ nhỏ cho câu "hãy mang lại thứ người ta cần chứ không phải cái mình có".


Hiểu độ tuổi cùng nhu cầu của trẻ


Hãy tìm những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ cần hiểu rằng trẻ 2 tuổi có thời gian chú ý ngắn và trẻ sơ sinh có thể đưa sách vào miệng vì đó là cách trẻ khám phá thế giới. Vì vậy, đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, hãy sử dụng sách vải cho trẻ tiếp xúc hoặc sách có tích hợp âm thanh. Trẻ nhỏ hơn 15 tháng tuổi thích những cuốn sách đơn giản nên sách đếm và tô màu với hình ảnh lớn, ít chữ sẽ phù hợp với độ tuổi này.


Trẻ lớn hơn sẽ muốn chọn sách của riêng mình, bạn hãy để trẻ thoải mái. Điều quan trọng là bạn và trẻ có thời gian đọc cùng nhau. Ở độ tuổi này bạn có thể thảo luận với trẻ trong lúc đọc, cùng nhau lên kế hoạch đọc.

Kết nối cuốn sách với cuộc đời của trẻ


Đừng biến thời gian đọc sách thành giờ hoàn thành bài tập về nhà khô khan. Thay vào đó, hãy đặt những câu hỏi mở về những câu chuyện để giúp trẻ xây dựng mối liên kết giữa câu chuyện và cuộc sống hàng ngày của chúng. Ví dụ khi đọc quyển Ông tớ của tác giả Marta Altés, mình đã hỏi cháu rằng "Con có nhớ đã chơi cùng ông như thế nào không?" và "Con cảm thấy như thế nào khi chơi với ông?". Đó là cách mình gắn kết câu chuyện và cuộc sống để trẻ thấy những gì trong sách thật gần gũi với chúng. Và bây giờ khi ông đã mất, điều cháu mình hay nhắc chính là câu chuyện bé từng kể với mình lúc đọc sách.


Cho trẻ thấy những sự kiện trong sách giống như những sự kiện trong cuộc đời chúng là một trong những cách tốt nhất bạn có thể giúp chúng học thông qua đọc. Và đôi lúc điều này cũng có thể mang lại niềm vui cho bạn.


Rèn luyện thói quen đọc cho trẻ không chỉ cần đúng phương pháp mà còn cần sự kiên nhẫn của phụ huynh. Vậy nên nếu việc đọc sách của con bạn vẫn chưa "vào guồng" thì đừng vội từ bỏ. Thay vào đó hãy thử một cách khác phù hợp hơn cho cả bạn và bé. Chúc bạn và bé sớm có những quả ngọt trên hành trình đọc sách cùng nhau nhé!



Thúy Ngô



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thúy Ngô và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
17 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page