top of page
  • Writer's pictureHòa Lương

Người sót lại của Rừng Cười

Updated: Aug 30, 2022

Người sót lại của Rừng Cười là truyện ngắn đặc sắc nằm trong tuyển tập truyện ngắn chọn lọc của Võ Thị Hảo. Câu chuyện kể về cuộc sống của Thảo - cô gái Văn khoa từ khi vào chiến trường tới lúc trở lại cuộc sống đời thường. Chiến tranh qua đi những nỗi đau mà nó để lại thì còn mãi.


Tên sách: Người sót lại của Rừng Cười

Tác giả: Võ Thị Hảo

Giá bìa: 85.000 đồng

NXB: Phụ Nữ

Đơn vị phát hành: Công ty văn hóa và truyền thông Vũ Trụ



Về cuốn sách Người sót lại của Rừng Cười


Cuốn sách gồm 27 truyện ngắn của Võ Thị Hảo viết về những con người bình thường có phần khiếm khuyết, tật nguyền nhưng mang vẻ đẹp tâm hồn rực rỡ. Họ là hiện thân đau đớn nhưng đẹp đẽ của đời sống, của con người. Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời trong cuốn sách đều khiến người ta thương cảm, day dứt khi nghĩ về.

Truyện ngắn đã được dựng thành phim vào 1991, trước khi được nhà xuất bản Hội nhà văn chính thức phát hành vào năm 1995. Đến nay sách không còn được tái bản hay bày bán. Tuy nhiên, bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy các phiên bản online và audio của truyện để thưởng thức.

Một cuốn sách lấy đi nước mắt và gợi nhiều trăn trở

Huyền thoại về loài chim yến huyết chung tình

"Anh vừa đi vừa nhìn thấy chao qua chao lại trước mắt mình người con gái đã bị cuộc đời nghiệt ngã tước đi sạch trơn đêm đêm ngồi viết thư tự gửi mình trước ngọn đèn dầu đỏ quạch. Anh chợt nghĩ đến huyền thoại về loài yến huyết ngoài biển khơi đã nhả từng hạt máu để dệt nên chiếc tổ màu hồng quý giá. Rồi khi sức tàn lực kiệt, chim yến bay vút lên không trung, lao mình vào vách đá nhọn hoắt cho ngực vỡ nát."


Huyền thoại về loài chim yến huyết đầy kiêu hãnh cũng giống như câu chuyện của Thảo – người sót lại của Rừng Cười trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Võ Thị Hảo. Tôi nghĩ mãi về "di sản" của chiến tranh. Phải chăng là thắng lợi, là tự do hay chỉ là bao thân phận nhỏ nhoi bị cuộc đời nghiệt ngã tước đoạt sạch trơn? Bao gồm cả sự sống, thanh xuân, nhan sắc, sức khỏe, đồng đội, tình yêu và niềm tin.


Khi cuộc chiến đẫm máu qua đi, nó đã để lại gì nơi dân tộc tôi? Nhất là nơi những người con gái thanh niên xung phong ra tiền tuyến năm xưa? Trong suốt bao năm tháng chiến tranh và cả sau đó, người ta vẫn thường nhắc tới nó với tâm thế ngợi ca sự anh dũng, ngợi ca chiến thắng. Phải đến ngày đổi mới, các tác giả bắt đầu viết về chiến tranh dưới khuôn mặt vẹn toàn mọi sắc diện. Trên hết là đi sâu vào khai thác những "nỗi buồn chiến tranh".

Di sản của chiến tranh là lớp thanh niên phơi phới ra đi rồi trở về thân tàn ma dại

Hoặc mãi nằm lại đâu đó trên dải đất này. Năm cô gái ở Rừng Cười đều còn trẻ nhưng sốt rét, nước độc và thiếu thốn làm họ lọt thỏm trong bộ quân phục, làn da tái nhợt và mái tóc rụng gần hết. Sau khi địch càn qua, Thảo tìm thấy bốn người đồng đội đã chết trong các tư thế khác nhau. Họ dành những viên đạn cuối cho chính mình để không bị làm ô nhục. Chẳng có trang báo nào ngợi ca tên họ, chỉ có nấm mồ chôn chung Thảo tự tay đắp lại sau trận sốt. Cả Hiên, người chiến sĩ từng ghé qua nhận quân trang, người đã hi sinh trong trận càn của địch cũng không được truy tặng một danh hiệu nào. Bởi anh đã ghi trong nhật kí dưới đáy ba lô những sự thật người ta muốn giấu: "Sẽ không bao giờ tôi quên được những người đã nhìn thấy ở Rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh."


Ngay như Thảo, cô sinh viên Văn khoa tươi trẻ với mái tóc dài chấm gót cũng trở thành chiếc bóng vật vờ, khó kết nối lại với cuộc đời sau cuộc chiến. Rừng thiêng làm tóc cô rụng từng mảng. Cô chưa hóa điên như các chị, cũng không hi sinh nhưng cô mãi mãi không còn là cô gái năm xưa chưa ra chiến trường. Cô gầy gò và "xấu xí" đến mức người yêu không nhận ra. Và cô cũng lầm lũi không giao tiếp được với những người bạn cùng phòng. Hồn cô vướng lại mãi quân khu nơi bốn người chị nằm lại vĩnh viễn. Chiến tranh chẳng tử tế với ai bao giờ!

Truyện còn phản ánh cái chết của những ước mơ hạnh phúc thầm kín mà mãnh liệt

Các cô gái trẻ ở trong rừng sâu nước độc. Lâu thật lâu mới có một tốp bộ đội ghé qua. Có khi cấu véo cũng có khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của họ. Rồi tất cả các anh đều rời đi. Để lại trong lòng họ nỗi cô đơn thăm thẳm như cánh rừng Trường Sơn. Lòng họ "mơ màng vương vấn" như tơ nhện đã chăng. Khát khao bị đè nén bộc phát thành những cơn điên dại bản năng.

Họ vừa cười vừa khóc, hết bứt tóc lại tự xé rách áo mình, để lộ ra tấm thân trần truồng vô thức vì căn bệnh Esteris. Khi có người xuất hiện, họ nhào lên ôm chặt như một con vượn trắng. Sự thật tàn nhẫn được nhà văn xót xa chiêm nghiệm: "chỉ những ai đã từng qua chiến tranh, trải nỗi cô đơn đặc quánh, qua cảm giác đang cựa quậy giữa chốn giáp ranh, giữa địa ngục và trần gian mới hiểu nổi."


Thảo đã xoa dịu các chị bằng câu chuyện tình yêu lung linh của mình. Thành trong lời cô kể là một chàng trai hào hoa và chung thủy. Anh cũng đã đợi cô như hẹn ước. Khi Thảo trở về, anh vẫn đều đặn gặp cô mỗi thứ bảy, cố gắng chiều chuộng cô. Nhưng khoảng cách giữa hai người đã chỉ là im lặng. Và tình yêu, có lẽ đã chết theo tiếng "Ô, em" khi đón Thảo bước xuống tàu. Cô yêu nhưng không lụy. Cô nhớ lời dặn dò của chị Thắm "Thảo ơi! Liệu em có quá yêu người ta không đấy, không hiểu sao, chị bỗng thấy sợ cho em. Em là người duy nhất trong chúng ta đang có hạnh phúc. Mai này, có trở về, dù thế nào, em cũng không được để đàn ông người ta phải thương hại mình nghe!” Cô vô tình phát hiện Thành đã thầm yêu người khác. Cô chọn từ bỏ tình yêu để anh tìm hạnh phúc mới. Và mười sáu tuần liên tục, cô tự viết mười sáu lá thư gửi cho chính mình để ai cũng nghĩ cô là người phản bội. Để Thành có thể yên tâm mà giải thoát cho mình khỏi một người như cô.

Di sản của chiến tranh còn là những con người đứng bên lề thời bình

Thảo nhận thấy bản thân trở nên cứng nhắc và hiếu chiến. Cô cũng nhạy cảm hơn sau thời gian ở rừng. Không chỉ riêng Thảo, Kiên của Nỗi buồn chiến tranh, Thao của Miền cỏ hoang… cũng chìm đắm mãi trong kí ức của cuộc chiến không thoát ra được. Thảo hay mặc bộ quân phục cũ, Thao sống ở một vùng lau lách cách biệt với xã hội, Kiên chập chờn mãi giữa kí ức và hiện thực. Đời họ in dấu một chặng đường đầy máu, nước mắt, chết chóc và khói súng. Họ đã tự tay chôn xuống những người đồng đội, tự tay giết quân thù. Nếu trước đây có mục tiêu và lí tưởng dẫn đường thì bây giờ họ bơ vơ khó hòa nhập với thực tại. Bởi ở lâu chiến trường, họ đã thành người ở rìa xã hội.

Đâu chỉ có người từ trận địa trở về, ngay cả người ở hậu phương cũng khó hạnh phúc vẹn toàn

Dù Thảo đã lừa mình dối người để Thành không dằn vặt khi đến với người khác nhưng cuối cùng chính anh lại mãi không quên được con yến huyết nhỏ của mình. Thảo may mắn vì có tình yêu của anh là điểm neo, ngày cưới là liều thuốc mạnh ngăn cô không bị Esteris. Anh đã có đêm tân hôn ở lầu trên cùng vợ mới còn Thảo ở tầng dưới chong đèn dầu xem lại những bức thư tự gửi cho mình. "Ngày ở Rừng Cười cô đã khao khát đến cháy lòng ngày ấy! Cái ngày ấy là một trong những đốm lửa sáng nhất giục giã cô cố nhoài ra khỏi cuộc sống hoang dã chốn rừng sâu."


Rồi Thảo hóa điên, cuối cùng không còn gì giữ cô ở lại với ý thức. Vô thức kéo cô đi cùng tràng cười man dại giữa đêm. Sáng hôm sau khi Thành biết chuyện rồi đi tìm thì Thảo đã biến mất không còn dấu tích. Anh vẫn sống với vợ, làm việc ở Hà Nội "nhưng trong óc anh vẫn chớp chới đôi cánh bé nhỏ của loài yến huyết." Vậy là Thảo đã làm theo lời chị Thắm dặn, đã không để đàn ông thương hại mình mà làm người ta nhớ mãi bởi niềm kiêu hãnh của lòng tự tôn không gì vấy bẩn được.


Thành cứ sống đều đều, tẻ nhạt với vợ, với công việc. Song trong anh còn một con người khác, một tình yêu khác, một nỗi nhớ khôn nguôi về Thảo. Đến cuối cùng, anh nhủ thầm: “Rừng Cười ơi! Đã no nê máu và nước mắt, lẽ nào ngươi cướp nốt của ta con chim yến nhỏ nhoi!” Anh đã dao động, đã hèn nhát, đã có sự lựa chọn của mình. Cũng phải, Thành là con người bình thường, con người không trực tiếp bước ra từ cuộc chiến. Anh làm sao hiểu hết được những ngày Thảo đã sống, những nỗi đau Thảo đã nếm. Thế nên hai người mới không thể thành chồng thành vợ. Thảo kiên định hơn anh, cũng bao dung hơn anh. Cô có thể hi sinh, có thể chịu đựng một mình. Như cách chiến tranh đã tôi rèn nên trước đó.

Những tình yêu không đi đến hạnh phúc, những cuộc đời không trọn vẹn cuộc đời. Chiến tranh có thể đã lùi xa nhưng di chứng của nó nhức nhối hơn cả những căn bệnh quái ác.

Giá như có thể quên đi hết quá khứ đau thương để làm lại từ đầu, để tự do thật sự như mục đích của cuộc đấu tranh thì có lẽ cuộc sống của họ đã tốt đẹp hơn. Nhưng, chiến tranh nào phải trò đùa. "Di sản" của nó còn lưu dấu khắp thân thể và trong tâm trí những người từng kinh qua.


Tôi xin mượn đôi dòng nhật kí của nhân vật Hiên để kết lại: "Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy. Tôi rùng mình khi nghĩ rằng, người yêu tôi, em gái tôi cũng đang cười sằng sặc như thế, giữa một khu rừng mênh mông nào đó.”


Hòa Lương



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hòa Lương và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

1 view
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page