Hòa Hòa
Nhất thể và phân tách
Updated: Aug 30, 2022
Mẹ đưa con ra chào cuộc sống, con giúp mẹ học hiểu cuộc đời. Cuốn sách “Nhất thể và phân tách” dành cho những ai muốn hiểu rõ hơn về sự kết nối giữa mẹ và con trong những năm tháng đầu đời.

Tên sách: Nhất thể và phân cách
Tác giả: Louise J. Kaplan
Dịch giả: Nguyễn Bảo Trung
Giá bìa: 218.000 đ
Nhà xuất bản: Phụ Nữ
Tóm tắt sách:
Louise J. Kaplan (18/11/1929 – 09/01/2012) là nhà Phân tâm học người Hoa Kỳ, chuyên về phân tâm học trẻ em và phát triển thời kỳ đầu đời. Cuốn sách “Nhất thể và Phân tách” được ra đời năm 1978 là một công trình nghiên cứu có giá trị viết về sự phát triển tâm lý và hình thành nhân cách của trẻ trong những năm tháng đầu đời, đặc biệt là từ sơ sinh đến năm lên ba. Dựa trên vô số nghiên cứu từ các nhà phân tâm học nổi tiếng bao gồm Piaget, Winnicott và chủ yếu là Margaret Mahler, với góc nhìn sâu sắc và sự quan sát tỉ mỉ, Kaplan mô tả lại giai đoạn ba năm đầu đời qua những chặng nhỏ một cách chi tiết.
Đón chào em bé sơ sinh
Từ khi em bé ra khỏi bụng mẹ, một hành trình mới đã bắt đầu. Lúc này, em bé chưa hình thành được nhận thức về thế giới xung quanh. Thế giới của em chỉ có mẹ và em giao tiếp với thế giới qua sự xúc chạm với mẹ mà thôi. Nhờ sự giao tiếp của mẹ với em, dần dần em hình thành nên cảm thức về sự phân tách giữa mình và mẹ, giữa mẹ và còn điều gì khác ngoài mẹ nữa. Với em, mẹ chính là ngôi nhà an toàn đầu tiên, để em yên tâm đưa mình vươn ra khám phá thế giới bên ngoài.
Bằng những ví dụ cụ thể, Kaplan tập trung vào vai trò người mẹ rất nhiều và đôi khi có sự xuất hiện của người cha. Những va chạm tiếp xúc dù là nhỏ nhất cũng được tác giả mô tả chi tiết, giúp người đọc hiểu được cách em bé làm quen với thế giới thông qua sự hỗ trợ của người mẹ và gia đình; cho ta hiểu rõ về sợi dây liên kết của tình mẫu tử.
“Qua sự tương tác kéo dài và mở rộng với mẹ trong suốt những tuần đầu đời, trẻ sơ sinh sẽ dần trở thành một phần trong môi trường tâm lý của mẹ mình. Trẻ và mẹ sẽ dành rất nhiều giờ bên nhau, tham dự cùng nhau, chú ý đến nhau, dần học hiểu về nhau. Những hành vi của bên này sẽ là những khơi gợi dẫn dụ tinh tế cho hành vi của bên kia. Họ bắt đầu giao tiếp theo cách thức đặc thù của con người trong dạng đối thoại tương hỗ qua lại.”
Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ
Cuốn sách đưa người đọc trở về những thời gian đã bị lãng quên, ngay từ khi lọt lòng mẹ chưa thể cất lên thành lời hay có thể ghi nhớ được kí ức. Thông qua sự giao tiếp với em bé, người mẹ cũng học được cách thấu hiểu bằng sự đáp ứng lại những nhu cầu được biểu hiện phi ngôn ngữ của con mình. Những hành động đó khơi gợi được những bản năng, trực giác và con mắt trẻ thơ vốn đã bị mất đi trong quá trình lớn lên. Rất có thể, quá trình nuôi con là quá trình hồi quy kí ức giúp mẹ chữa lành được những tổn thương thời kí ức.
Người mẹ nhớ lại được về quá trình mình được nuôi nấng và lớn lên. Thấu hiểu - người mẹ nhận ra những khó khăn và những chướng ngại của cha mẹ của mình khi cũng nuôi đứa trẻ chưa hiểu nhiều về thế giới là mình. Bài học về sự kết nối phi ngôn từ giúp người mẹ trưởng thành hơn trên hành trình làm mẹ.
“Niềm hy vọng chính là nhịp tim của mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ. Mỗi lần trẻ vượt qua được một thử thách trong đời, sự chiến thắng đó lại khích lệ sự trưởng thành mới trong cha mẹ trẻ. Theo nghĩa này trẻ em là người tạo sinh ra cha mẹ mình.”
Gia đình là trường học đầu tiên
Người đọc sẽ tìm thấy được rất nhiều ý tưởng thú vị về sự phát triển tâm lý của trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Những suy nghĩ và cảm nhận, những ý nghĩa đằng sau các hành vi phổ biến ở thời thơ ấu như nụ cười đầu tiên, những thăm dò vươn với ra bên ngoài, trò chơi ú oà, tìm kiếm, những trận xả các kích thích… đều được lý giải một cách rõ ràng.
Hiểu được tất cả những điều đó, những người làm cha mẹ sẽ có cách giao tiếp và hướng dẫn em bé của mình một cách đúng đắn và có cơ sở hơn. Sự phát triển của một đứa trẻ cho ta thấy tầm quan trọng của việc giáo dục trong gia đình – ngôi trường đầu tiên của trẻ. Để từ đó, nuôi dạy những đứa trẻ cũng là một lần nữa cha mẹ học lại những bài học mình đã trải qua từ nhỏ cho đến lớn.
Chương cuối của cuốn sách, tác giả lướt qua những hình thái xã hội ảnh hưởng đến cách một con người trưởng thành trong xã hội đó. Suy cho cùng, chúng ta là một con người của xã hội. Chúng ta lớn lên trong “bầu không khí” của xã hội ấy, người mẹ được thừa kế những lối sống và tư tưởng của cộng đồng sẽ có cách nuôi dạy con cái theo phong tục tập quán, theo nền văn hoá và giáo dục của cộng đồng ấy. Người mẹ và đứa trẻ, cả hai đều từng là một - nhất thể, và rồi cả hai học cách hoà nhập vào xã hội - quá trình phân tách để cùng nhau trưởng thành.
Với văn phong có phần bay bổng, cuốn sách giúp người đọc không chuyên tiếp cận được các kiến thức về phân tâm học trẻ em một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phần chú thích tỉ mỉ và cẩn thận của dịch giả sẽ giúp người đọc mở rộng thêm kiến thức về tâm lý học ngoài phạm vi cuốn sách.
Dù vậy đây vẫn là một cuốn sách không dễ đọc nhưng nó rất đáng đọc cho những ai đã làm mẹ và chuẩn bị làm mẹ và cho cả những người mong muốn hiểu được thế giới kì diệu của trẻ thơ. Để một lần nữa, quay lại quá khứ nhìn xem mình đã tiếp nhận và học hỏi thế giới này ra sao.
Chúc bạn đọc cuốn sách với những khám phá thú vị.