top of page
  • Writer's pictureLê Y Pha

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối

Cùng với Haruki Murakami, Marc Levy thì Patrick Modiano cũng là một nhà văn tôi đặc biệt yêu thích và đọc hầu hết các tác phẩm của họ. Giữa Murakami và Patrick Modiano hội ngộ nhau ở điểm tương đồng là tác phẩm của họ đều bị giới hàn lâm gắn mác sách mang tính “thị trường”, “thương mại”. Tuy nhiên, nếu Murakami đã “trượt” giải Nobel Văn học nhiều lần gây nuối tiếc cho hàng triệu độc giả ngưỡng mộ ông thì Patrick Modiano đã được Viện Hàn Lâm Thụy Điển vinh danh trao giải Nobel Văn học vào năm 2014.


Vậy điều gì đã khiến tác phẩm của Patrick Modiano được lòng mộ điệu cả giới hàn lâm lẫn đại chúng, liên tục nằm trong danh sách best seller ở Pháp và nhiều nước trên thế giới? Có lẽ không chỉ dừng lại ở lối viết mang hơi thở hậu hiện đại đầy ấn tượng, tế vi trong từng lát cắt nhỏ nhất mà Modiano đã lên tiếng nói hộ cho tuổi trẻ thông qua những bản tình ca đặc biệt đẹp và đặc biệt buồn miên man - Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là một trong những tác phẩm như vậy – Và tôi đã tìm thấy chính bản thân mình trong đó giữa khoảng trời tuổi trẻ mông lung, vô định.



Hành trình định vị bản thân "Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối" - Patrick Modiano


Tôi ấn tượng từ bìa sách đã gợi lên không khí hoài niệm xưa cũ và đến khi lần giở qua từng trang sách, những kỉ niệm xưa cũ càng trở nên sống động tựa một tiếng thở dài, một đoạn nhạc ngắn nhưng tinh tế và vô cùng sâu lắng.


“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” đưa người đọc lang thang khắp nẻo Paris, nơi mà bao đại lộ, bao giao lộ, bao phố xá, bao quảng trường đã trở thành một phần không thể tách rời của cuốn sách, của câu chuyện được kể. Patrick Modiano đã biến quá khứ thành vật liệu văn chương của mình. Việc sắp xếp các mẩu kí ức không phải hành trình đi tìm thời gian đã mất mà đúng hơn là ý định giải mã bí ẩn con người. Chiều sâu của bí ẩn ấy đã nâng Patrick Modiano lên hàng ngũ của những nhà văn vĩ đại nhất.


Vì sao tôi tìm thấy bản thân mình trong cuốn sách này?


Bởi vì mỗi nhân vật “trú ẩn” ở quán cà phê Le Conde như: Zacharias, Tarzan, Jean - Michel, Fred, Ali Cherif,... và Louki đều phảng phất hình bóng của bản thân tôi giữa một tuổi trẻ với tương lai không chắc chắn, đầy hoang mang, ngổn ngang và chơi vơi. Giống các nhân vật trong tiểu thuyết, tôi vẫn loay hoay định vị bản thân mình và đôi lúc cảm thấy sợ hãi, muốn trốn tránh mọi thứ, đến một nơi không thể xác lập “cội nguồn” của bản thân và không ai biết về quá khứ của mình.


Tôi đã từng tha thiết mong ước tìm được một Le Conde giữa đời thực như vậy. Một nơi chốn trú ẩn khỏi mọi thứ u ám của cuộc đời. Và, cái phần tốt đẹp nhất của cuộc đời - tuổi trẻ - cũng lưu giữ mãi mãi ở nơi đó.

Patrick Modiano đã thừa hưởng sâu sắc di sản triết học của Guy Debord (1931 - 1994) trong sáng tác các tác phẩm của mình. Là một đứa vốn ngán ngẩm các sách triết học khô khan, khó nhằn; tuy nhiên, những triết lí triết học được Modiano đưa vào tác phẩm đã được tôi thấm nhuần một cách dễ dàng.


Bởi vì Modiano đã linh hoạt trong việc biến hóa những triết lý khô khan của Guy Debord thành một bản hòa tấu du dương, trữ tình và sâu lắng về cuộc sống của những người trẻ, để rồi độc giả có thể bắt gặp chính bản thân mình ở trong tác phẩm: có thể ở những giao lộ Paris xa xôi hoặc ở mỗi nhân vật trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”.


Modiano đã mượn ý tưởng “trôi dạt” của Guy Debord để làm lời đề từ cho tác phẩm của mình: “Ở lưng chừng cuộc đời thực sống, quanh ta phủ xuống một tấm màn u sầu tăm tối, nó được diễn tả bằng bao lời lẽ nhạo báng và buồn thiu, ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”.


Đồng thời, nhan đề của cuốn tiểu thuyết này: “Dans le café de la jeunesse perdue”cũng được rút từ một bộ phim khởi chiếu năm 1981 của triết gia Guy Debord (yếu nhân của phong trào “Quốc tế Tình thế chủ nghĩa” - Internationale Situationniste), tính từ “perdu” được hiểu theo hai nghĩa: “đã mất”“lạc đường”.


Giữa những nhân vật đang mải miết “trôi dạt”, ngập ngụa trong nỗi cô đơn, hoài nghi đặc sệt ấy, tôi đặc biệt đồng cảm với Louki. Cô dường như chỉ xuất hiện trong kí ức tản mác, mơ hồ của mọi người; cô hoàn toàn là kiểu người mờ nhạt trong cuộc sống như hàng sa số lớp người ta vô tình lướt qua mỗi ngày.


Tôi cũng đã từng là một cô bé mang nỗi tự ti về ngoại hình cũng như chẳng có tài năng gì nổi trội. Tôi cũng như Louki, từng hoài nghi về bản thân, từng đau khổ trước những lời phán xét không mấy tốt đẹp của người khác dành cho mình. Và như Louki (đó còn chẳng là tên thật của cô), tôi đã từng định vị bản thân trước cuộc đời bằng sự ngang bướng, ngạo nghễ và bất cần.


Modiano đã không dụng công “tô hồng” tuổi trẻ, không kêu gọi họ phải sống một cuộc đời rạng rỡ mà trái lại ngòi bút của nhà văn đã xoáy sâu vào tầng tầng lớp lớp sâu thẳm tâm hồn mong manh của tuổi trẻ và thấu hiểu cho nỗi đau của họ đến tuyệt đối. Điều cốt lõi của văn học vẫn là hướng đến con người và vì con người và khi nhìn vào nỗi cô đơn của giới trẻ, Patrick Modiano đã nhìn bằng ánh mắt cảm thông. Dường như ông muốn mở ra cho họ một chân trời mới, tươi đẹp hơn. Nhưng có lẽ sự thật vẫn là sự thật, người ta cần nhiều tấm lòng Patrick Modiano mới có thể đẩy lùi màn đêm u tối chẳng được gọi tên.


“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” là một bức tranh lấy gam màu u tối và buồn làm nét chủ đạo. Thế nhưng, nếu nhìn vào từng chi tiết rời rạc trong bức tranh ấy, chúng ta sẽ thấy có một điểm sáng hiện lên ở cuối bức tranh tối màu, le lói nhưng giàu sức gợi.


Điểm sáng ngời ấy là tình yêu - mối tình mong manh nhưng da diết và là cứu cánh cho hai tâm hồn đang bị day dứt trong những nỗi cô đơn và u uất của Roland và Louki. Roland và Louki cùng nhau du hành qua khắp nẻo Paris, cùng kiếm tìm “bản ngã” của mình qua những vùng đất mà họ xem là đặc biệt. Họ sống cho những giây phút hiện tại và sống vì nhau, không còn sự mặc cảm về quá khứ và nỗi băn khoăn về tương lai. Họ giống như những “bóng ma” sống ở vùng ngoài rìa Paris: thảnh thơi, nhẹ nhõm và an yên trong tâm hồn.


Khi đã trở thành cô gái đã trưởng thành và từng trải hơn, tôi vẫn khát khao có một tình yêu như Roland và Louki, yêu và chỉ yêu thôi, trân trọng những khoảnh khắc nhỏ nhất bên nhau, không câu nệ quá khứ của nhau ra sao, không áp đặt trách nhiệm, gánh nặng cho nhau và nên chăng hôn nhân có phải đích đến cuối cùng của tình yêu hay không?


Tôi còn học được ở họ sự bao dung và thấu hiểu cho đối phương trong tình yêu, tôn trọng quá khứ và những nỗi niềm riêng tư của nhau: “Khi thực sự yêu một người thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ấn của người ấy”. Dẫu cho tình yêu của Roland và Louki có một cái chết thật buồn nhưng vẫn làm lay động đến trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới.


Patrick Modiano từng tâm sự về tình yêu dành cho thành phố Paris: “Thành phố này bao quát cả đời tôi. Về chiều dài, những con đường hình học của nó vẫn còn mang dấu tích của lịch sử. Nhưng nếu bạn nhìn sâu vào nó, bạn vẫn có thể nhận ra vùng đất hoang xưa dưới lớp bê tông kia. Đây chính là gốc rễ của thế hệ chúng tôi”. Chính vì thế, Paris với vẻ đẹp hoài cổ, lộng lẫy và kiêu sa đã trở thành nguồn cảm hứng trong rất nhiều tác phẩm của Modiano.


Đến với tác phẩm “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, những giao lộ, những phố xá mênh mông, vô tận của Paris đã trở thành những ngã rẽ vô định hướng cho cuộc đời bao lớp người trẻ... Khép trang sách lại rồi, trong tôi vẫn vang vọng mãi câu hỏi: “Cái gì đã khiến con người phải kiếm tìm bản ngã đích thực của mình, mãnh liệt, da diết và đau đớn đến vậy?”.


Viết “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, dường như Modiano muốn hướng những người trẻ sống thật, sống hết mình, sòng phẳng với bản thân và cuộc đời, có như vậy chúng ta mới giải mã cái phần bí ẩn và day dứt nhất trong mỗi con người, để đủ can đảm đối diện với hiện tại và tự tin bước đến tương lai.


Lê Y Pha



Bài viết của tác giả Lê Y Pha, đạt giải Bài viết được yêu thích nhất cuộc thi Nói chuyện sách, kể chuyện mình của cộng đồng yêu sách Khi Phụ Nữ Đọc, được tổ chức vào tháng 3.2022.

Bài viết khác trong khuôn khổ cuộc thi Nói chuyện sách, kể chuyện mình:
Tôi là Bêtô
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã
Tin ở nỗ lực - Cược ở trái tim
Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
96 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page