top of page
  • Writer's pictureHòa Lương

Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện

Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện mang kỹ năng thuyết trình và kể chuyện tới gần hơn với độc giả thông qua các công thức và ví dụ điển hình từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội.


Tên sách: Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện

Tác giả: Bùi Thị Ngọc Thu

Giá bìa: 199.000 đồng

Đơn vị phát hành: NXB Lao động


Nội dung tóm tắt:

Trong cuốn sách này, bạn đọc “chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa khoa học thuyết trình và nghệ thuật kể chuyện. Một sự kết hợp đầy tương phản nhưng lại bổ trợ mạnh mẽ cho nhau giữa tư duy lý trí và khoa học xúc cảm…, mở ra những quan điểm mới mẻ về thuyết trình bằng câu chuyện, một phương pháp giúp ý tưởng tuyệt vời của bạn lan tỏa rộng khắp.


Mình ứng dụng những bài học từ Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện vào công việc của một writer như thế nào?


Trước đây khi đọc chủ yếu dòng sách văn học, mình mang tâm thái của một người thưởng thức nhiều hơn. Từ khi bước chân vào nghề viết, lựa chọn trở thành một writing mentor và blogger, mình ý thức hơn về trách nhiệm với con chữ mình viết ra. Và gu đọc của mình cũng dịch chuyển sang các loại sách hướng nghiệp về viết lách. Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện cho mình những bài học để vận dụng ngay vào công việc mình đang làm.


Kể chuyện truyền thông điệp bằng ngôn từ qua các bài viết


Cuốn sách chia sẻ về cách ứng dụng kỹ thuật kể chuyện (story telling) vào các bài thuyết trình, diễn thuyết. Là một writer, mình sử dụng kỹ năng viết nhiều hơn. Do đó, việc sử dụng kỹ thuật kể chuyện cũng được thay đổi cho phù hợp hơn với tính chất của một bài viết. Tuy nhiên, khi những kỹ năng của nghệ thuật nói và viết được kết hợp, mình thấy chúng bổ sung vừa vặn cho nhau.


Một bài viết chạm đến trái tim của độc giả là một bài viết mang thông điệp cụ thể, mặc dù mình vẫn luôn nghĩ bài viết nào cũng chứa thông điệp. Nó có thể giản đơn hay lớn lao, trực tiếp hay gián tiếp. Với việc lồng ghép yếu tố kể chuyện, thông điệp sẽ đến với người đọc một cách đời nhất, tự nhiên nhất. Trong đó, kể chuyện của bản thân chính là một lựa chọn hiệu quả.


Trong cuốn sách, tác giả Ngọc Thu cũng đưa ra các bước để kể câu chuyện về bản thân bao gồm: xác định chủ đề câu chuyện, xác định thông điệp muốn chia sẻ, chọn cấu trúc truyện phù hợp, chọn ngôn từ và dẫn chứng phù hợp.


Chẳng hạn như khi viết bài “Bỏ công việc thu nhập tốt để làm freelancer có đáng không?”, mình lồng vào đó câu chuyện chuyển từ công việc văn phòng sang nghề viết tự do của bản thân. Motif này chắc chắn sẽ giống với rất nhiều người đang làm tự do khác. Do đó mà dễ nhận được sự đồng cảm từ người đọc hơn.


Có nhiều cấu trúc thuyết trình được tác giả đề cập trong cuốn sách cùng với những ví dụ cụ thể, bao gồm cả trải nghiệm của chính người viết và những người nổi tiếng khác như Steve Jobs, J.K.Rowling, Chimamanda…


Khi viết bài cho một thương hiệu thời trang, mình cũng được yêu cầu viết content dưới dạng kể chuyện để khách hàng thấy gần gũi với câu chuyện của chính họ. Từ đó đưa ra giải pháp (sản phẩm) giúp họ xử lý vấn đề (pain point). Câu chuyện khi này còn có chức năng kêu gọi hành động (call to action).


Trong những câu chuyện kể này, mình thường chia sẻ “hành trình người hùng”. Theo cuốn sách, “người hùng” có thể là người nói, người nghe hoặc sản phẩm. Mình cũng dựa theo mục đích và đối tượng của từng bài viết mà thay đổi cho phù hợp.


Khách hàng từ những người gặp một vấn đề nào đó khiến cuộc sống họ không thoải mái, hạnh phúc thì sau khi sử dụng sản phẩm sẽ tốt hơn.


Kể chuyện bằng con số làm tăng tính chính xác và thuyết phục


Kể chuyện bằng con số còn được tác giả gọi là “ngôn ngữ hóa dữ liệu”. Đây là cách biến những con số và dữ liệu khô khan dễ tiếp nhận, dễ hình dung hơn.


Dữ liệu, thống kê, nghiên cứu, tỉ lệ… thường được đưa vào trong các bài nói và bài viết để làm tăng tính thuyết phục, độ chính xác. Từ đó cho thấy sự tin cậy trong phát ngôn của người trình bày. Tuy nhiên, không phải ai cũng có hứng thú hoặc ghi nhớ được các con số.


Trong cuốn sách của mình, tác giả Ngọc Thu đã đưa ra những phương pháp để dữ liệu có ý nghĩa. Có một câu nói của Daniel Kahneman được trích dẫn khiến mình ấn tượng: “Không có bất kỳ ai ra quyết định chỉ vì các con số. Họ cần một câu chuyện”. Điều này không chỉ đúng khi bạn bán hàng mà ngay cả khi viết, một câu chuyện có các con số cũng dễ khiến người đọc tin tưởng hơn.


Sau khi đọc tới mục này, mình đã thay đổi cách suy nghĩ về dữ liệu. Vấn đề không phải chúng khô khan mà là do mình chưa biết cách làm chúng trở nên “có hồn” hơn. Khi viết bài, mình sẽ chú ý hơn trong việc kết nối dữ liệu với một vật cụ thể mà mọi người đều biết, so sánh dữ liệu với một vật hữu hình, tạo khoảng cách giữa các tỷ lệ để thấy sự chênh lệch.


Thay vì viết “Tôi đã viết bằng 200% hiệu suất so với trước trong 2 tháng qua.” thì mình sẽ viết “Tôi đã viết số trang nhiều gấp 10 lần một khóa luận Đại học, gấp 100 lần bài tiểu luận, gấp 1.000 lần bài viết blog trung bình trong 2 tháng qua.”


Kể chuyện truyền cảm hứng bằng lời nói trong các buổi dạy và tư vấn


Khi dạy viết và tư vấn, mình không chỉ làm việc với học viên quanh các vấn đề kỹ thuật viết mà còn cần truyền cảm hứng và động lực sống tốt hơn, viết nhiều hơn cho các bạn. Bởi lẽ chất lượng đời sống có tác động không nhỏ tới chất lượng bài viết và hiệu suất làm việc.


70% học viên khóa tháng 10 của mình gặp vấn đề về tinh thần khi làm công việc liên quan tới viết lách. Không phải vì mọi người không thích công việc này mà viết đòi hỏi trí não phải làm việc nhiều. Nếu tinh thần không vững hoặc gặp những chuyện không vui, người viết khó lòng mà viết tốt. Chưa kể tới tình trạng kiệt sức hoặc tụt mood do làm việc trí não nhiều giờ trong nhiều ngày liền.


Những câu chuyện mình chia sẻ trong các cuộc gặp gỡ thường đến từ trải nghiệm của bản thân hoặc từ các học viên khác. Và dĩ nhiên, mỗi câu chuyện đều đi cùng với kinh nghiệm hoặc giải pháp để giúp vượt qua nó nhanh hơn. Mình thấy khi nghe câu chuyện của người khác, các học viên sẽ cảm thấy mình giống với mọi người, từ đó cởi mở hơn để chia sẻ. Sau đó, những thay đổi nhỏ sẽ diễn ra dần dần trong cách tư duy và làm việc.


Như khi một bạn chia sẻ với mình về sự đắn đo nên làm full-time tại công ty như một content writer hay làm tự do, mình đã kể bạn nghe câu chuyện của mình. Từ đó bạn có câu trả lời riêng phù hợp nhất với bạn.


Kể chuyện là phương thức con người được lựa chọn để gửi đi các thông điệp từ thuở sơ khai của văn minh nhân loại.

Những câu chuyện có khả năng kết nối tuyệt vời giữa người phát tin và người nhận tin để cảm xúc dẫn dắt tới các hành động. Vì vậy, cả khi nói hay khi viết, nếu ta có thể áp dụng các kỹ thuật kể chuyện nhuần nhuyễn, bài thuyết trình và bài viết sẽ tác động mạnh mẽ hơn tới độc (khán) giả.


Cuốn sách Story telling - Nghệ thuật thuyết trình bằng câu chuyện có thể xem là cẩm nang thuyết trình chạm vào tâm lý người đọc với những kỹ thuật và hướng dẫn chi tiết. Mình không bàn quá nhiều về nội dung cuốn sách mà chỉ đưa ra những điều mình ứng dụng được từ đó. Nếu bạn cũng hứng thú với việc thuyết trình hoặc kể chuyện thì đây là cuốn sách không nên bỏ qua.


Hòa Lương


Xem thêm:

Chữ xưa còn một chút này

Blog Writing - Sống với nghề viết blog


Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hòa Lương và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!

19 views

Recent Posts

See All
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page