top of page
  • Writer's pictureThuy Trang

Tác giả Linh Phan và 9 thói quen của một freelance writer thành công

Updated: Aug 30, 2022

Linh Phan là tác giả của cuốn sách "Con đường trở thành Freelance Writer". Cuốn sách luôn nằm trong Top bán chạy của Tiki kể từ ấn bản đầu tiên vào đầu năm 2021 cho đến lần tái bản thứ 3 năm 2022, và được cộng đồng viết nhắc đến thường xuyên trong suốt thời gian qua. Với hơn 20 năm gắn bó với viết lách, 3 năm làm freelance writer toàn thời gian, chị đã viết đa dạng thể loại từ báo chí, sáng tạo nội dung, tiếp thị truyền thông, Ghost-writing, tản văn, sách hướng nghiệp... và đang có một sự nghiệp tự do thành công với thu nhập lên tới hơn 3.000.000.000 đồng trong năm 2021.


Để có được thành quả đáng ngưỡng mộ đó, ngoài những bài học rút ra từ thành công và thất bại, tác giả Linh Phan còn xây dựng cho mình những thói quen hữu ích, có thể hỗ trợ tốt nhất cho công việc. Dưới đây là 9 thói quen mà chị đã thực hiện hàng ngày trong suốt 3 năm gắn bó với nghề Freelance Writer.




1. Dậy sớm


Tác giả Linh Phan khởi đầu ngày mới lúc ... 3 giờ sáng. Chị đang sống cùng gia đình của mình tại Nauy, nơi một ngày bắt đầu sớm hơn Việt Nam 6 tiếng đồng hồ. Vì thế, chị dậy lúc 3h sáng để có thể bắt kịp nhịp làm việc của các khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc dậy sớm lại mang đến cho chị nhiều lợi ích hơn thế. Chị không làm việc ngay mà tập một vài động tác yoga, pha cho mình một cốc cà phê, thiền tịnh trong 5 phút, rồi bắt đầu làm việc. Sự thanh tịnh của buổi sớm trong lành và yên tĩnh giúp tinh thần sảng khoái, tạo một nguồn năng lượng tốt cho cả ngày làm việc. Nhưng tất nhiên, không phải ai cũng có thể làm được điều này ngay tắp lự, cơ thể của chúng ta cũng không thể thay đổi cơ chế hoạt động nhanh đến thế. Vì thế, lời khuyên của chị Linh Phan đó là hãy thay đổi từng chút một. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc ngủ sớm hơn 30' và dậy sớm hơn 30', tiếp tục ngủ sớm hơn một chút trong những ngày tiếp theo, cho đến khi đạt được mốc thời gian mong muốn.


2. Viết hàng ngày


Để có thể viết thành thục hơn, tốt hơn, không gì hiệu quả hơn bằng việc viết hàng ngày. Chị Linh chính là người đã chứng nghiệm điều này, chị viết mỗi ngày trong suốt 10 năm ở Nauy. Ngay cả khi chị chưa xác định sẽ trở thành một người viết chuyên nghiệp, chị cũng đã viết thường xuyên. Chị viết nhật kí về mình, quãng thời gian làm mẹ, những tình huống thú vị chị quan sát được mỗi ngày.


Tôi đã cố gắng viết mỗi ngày, dù ít dù nhiều, dù ốm đau hay khỏe mạnh, dù đôi khi tôi cũng chẳng có mục đích rõ ràng mình phải viết để làm gì.

Có rất nhiều cách đã được chị nhắc đến trong các cuốn sách để chúng ta có thể rèn luyện thói quen này như: Pomodoro, chọn một giờ cố định trong ngày để viết kể cả khi đó là cuối tuần, bắt đầu bằng việc viết ngắn và tăng dần số lượng chữ.


3. Ghi chú thường xuyên


Ghi chú là một thói quen không thể thiếu của người viết, giúp tạo nên một nguồn tài nguyên ý tưởng dồi dào cho người viết. Chị Linh ghi chú mọi ý tưởng nảy sinh trong đầu, tìm thấy trong sách, bắt gặp trong cuộc sống. Chính vì thế, chị hiếm khi thấy mình bị thiếu ý tưởng khi viết.


4. Đọc nhiều


Đọc để mở mang, để tích lũy kiến thức. Đối với một người viết, đọc lại càng trở nên quan trọng khi ta có thể học hỏi văn phong, cách viết từ các tác giả đi trước. Chị Linh luôn dành một khoảng thời gian trong ngày để đọc báo, sách, blog nước ngoài và trong nước, các bài viết trong cộng đồng viết chị tạo ra, của bạn bè trên các kênh mạng xã hội. Không ít trong số chúng đã trở thành nguồn cảm hứng cho những cuốn sách, khóa học và đem đến thành công cho chị.


5. Quan sát


Quan sát là thói quen không phải chỉ có chị Linh mới có, mà tất cả những người viết thành công đều rèn luyện để có được. Một chiếc lá rơi từ cành cây trụi lá cũng có thể trở thành ý tưởng của một cuốn tiểu thuyết kinh điển, vì thế tài nguyên để có một cuốn sách hay bài viết đi vào lòng người đều có sẵn ở ngoài kia, chỉ là chúng ta có chịu quan sát để tìm thấy chúng. Trong cuốn "Con đường trở thành Freelance Writer", chị Linh từng hướng dẫn chúng ta quan sát không chỉ bằng mắt mà còn bằng đôi tai. Hãy lắng nghe những câu chuyện, để ý từng chiếc bảng hiệu, những điều chúng ta gặp phải trên đường, trong cuộc sống hàng ngày, những suy nghĩ đang lướt qua trong đầu ta từng giây... Càng quan sát chúng ta lại càng cảm nhận sự tinh tế của cuộc sống, nắm bắt được ý tưởng cho công việc viết lách của mình.


6. Tắt các thiết bị không cần thiết khi viết


Một trong những điều khiến người viết trì hoãn, không thể tập trung, không hoàn thành được bài viết của mình đó là viết trong một môi trường có nhiều sự cám dỗ, gây xao nhãng. Đó có thể là những tin nhắn từ chiếc điện thoại, tab của Facebook, Youtube, Tiktok treo trên trình duyệt web... Chính vì thế, chị Linh thường sẽ tắt tất cả các thiết bị không liên quan khi đang cần tập trung vào việc viết, thậm chí là tắt cả wifi, Internet. Có một sự thật thú vị đó là các app như Facebook hay Messenger đã bị chị xóa vĩnh viễn khỏi chiếc điện thoại, để không chỉ khi viết mà trong cả thời gian dành cho gia đình cũng không bị chúng gây ảnh hưởng.


7. Lên kế hoạch viết


Chị Linh không đợi đến deadline mới bắt đầu viết bài. Mọi bài viết đều được chị lên lịch và đưa vào kế hoạch từ trước đó 3 tháng thậm chí lâu hơn. Chị từng tiết lộ rằng, có khi các bài viết của khách hàng đã được hoàn thành trước đó cả tháng và chỉ đợi tới ngày hẹn là gửi đi. Việc lên lịch và kế hoạch viết này giúp chị giảm bớt áp lực deadline, có nhiều thời gian hơn cho các dự án khác, cũng không gặp trường hợp việc này chồng chéo lên việc khác và lấn sang cả thời gian dành cho bản thân hay gia đình.


8. Kỉ luật viết


Chị Linh từng nói sự trì hoãn là kẻ ngăn ta đến với thành công. Những người viết đặt mình vào kỉ luật sẽ có được thành công sớm hơn. Dù là dậy sớm, viết hàng ngày, tắt mọi thiết bị khi viết, ... cũng đều là những thói quen cần được rèn dũa trong kỉ luật. Nếu không, sẽ không có thói quen nào được định hình và cũng sẽ không có thành công nào đến cả.


9. Chuẩn bị thông tin trước khi viết


Nếu bạn đang phải viết một bài 1000 chữ trong suốt 4-5 tiếng đồng hồ, bỏ cuộc vì không có ý tưởng để viết bài... thì hãy tham khảo thói quen này của tác giả Linh Phan. Chị thường sẽ thực hiện việc nghiên cứu, tìm tài liệu, thông tin cho bài viết trước khi tiến hành viết bài. Điều này giúp chị không bị phân tâm khi đang viết, bài viết hoàn thành nhanh hơn, liền mạch, không bị gián đoạn.


Tham khảo thêm những cuốn sách của tác giả Linh Phan về lĩnh vực viết:

  1. Nghề Freelance Writer (series Sách Hướng nghiệp 4.0)

  2. ​Viết đi đừng sợ

  3. Con đường trở thành Freelance Writer

Thùy Trang



Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thùy Trang và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
8 views
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page