Thúy Ngô
Tại sao đọc sách trước khi ngủ lại quan trọng với trẻ?
Updated: Nov 11, 2022
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ huynh nên bắt đầu đọc to cho con nghe từ khi mới sinh và duy trì cho đến khi trẻ học mẫu giáo. Việc đọc to, đều đặn mang lại cho trẻ một bước khởi đầu tốt trong quá trình giáo dục và tạo cơ sở cho sự phát triển các kỹ năng quan trọng bên cạnh việc kết nối cảm xúc ở trẻ.

Mình có bé cháu gái 5 tuổi, bé được mình đọc sách cho nghe từ năm hai tuổi. Đó là những câu chuyện cổ tích nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Lúc đó, mình đọc sách bất cứ khi nào mình rảnh và bé có hứng thú nghe. Gần đây, khi bé sắp đi học mình mới tạo nếp đọc sách buổi tối cho bé. Thể loại sách cũng dần đa dạng và thu hút bé hơn.
Sau một ngày dài vui chơi, chạy nhảy và đốt cháy năng lượng, trẻ cần được thư giãn. Việc đọc sách cùng nhau có thể giúp trẻ bình tĩnh, thư giãn để chúng ngủ ngon hơn. Ngoài ra, việc đọc sách trước khi đi ngủ còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Mời bạn cùng khám phá nhé!
Xây dựng vốn từ vựng cho trẻ
Còn nhớ, mình và đại gia đình bốn thế hệ được dịp cười sảng khoái khi cháu gái vừa bịt mũi vừa nhăn nhó diễn tả cụm từ “hôi như chồn”. Đó là từ bé học được khi cùng mình đọc quyển Nhà mình thích ở bên nhau của tác giả Jutta Langreuter và Stefanie Dahle. Mãi đến bây giờ bé vẫn khá thích thú và biểu cảm mỗi khi dùng từ này để diễn tả mùi hôi rình.
Theo nghiên cứu năm 2015 từ Tạp chí Nhi khoa American Academy of Pediatrics của Hoa Kỳ, đọc một số câu chuyện trước khi đi ngủ cho trẻ có thể bổ sung từ mới vào vốn từ vựng của chúng.
Nhờ vậy, lượng từ vựng của trẻ trở nên phong phú cả về ngôn ngữ chung lẫn các chủ đề, thể loại từ. Có một sự khác biệt lớn về vốn từ vựng giữa trẻ em được đọc sách và trẻ em không được tiếp xúc với sách. Trẻ đến 5 tuổi có thể hiểu được 24.000 từ, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu chúng thường xuyên nghe những câu chuyện trước khi đi ngủ.
Tăng trí tưởng tượng và phát triển sự sáng tạo ở trẻ
Đọc sách là cách tốt nhất để khơi nguồn sáng tạo và mở ra thế giới kỳ diệu cho trẻ. Những câu chuyện trong sách giúp tâm trí trẻ đi đến những nơi chúng chưa từng đến và đưa chúng vào những chuyến đi vượt ra khỏi môi trường quen thuộc. Bằng cách lắng nghe câu chuyện và xem các bức tranh, bộ não bé nhỏ của chúng có được rất nhiều ý tưởng. Chúng hoàn toàn có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hoặc đưa ra kết cục của riêng mình.
Trẻ con cũng thường kết hợp những gì chúng đã nghe trong các câu chuyện vào trò chơi tưởng tượng của chúng. Một câu chuyện được kể tối hôm trước có thể trở thành một phiên bản lý thú vào hôm sau.
Như cháu mình đây, những chiều đi học về, bé có thể kể chuyện cho mình nghe hàng giờ liền. Câu chuyện cũng mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ” theo kiểu chuyện cổ tích, rồi dẫn qua chuyện mẹ con thằn lằn, với hình ảnh bạn thằn lằn con cũng chết đi sống lại như chú mèo trong Con mèo triệu kiếp của tác giả Sano Yôko. Kể dông dài cuối cùng câu chuyện được kết thúc khi bác sĩ thằn lằn cấp cứu cho thằn lằn con và cứu sống nó, mà cũng có khi là hoàng tử thằn lằn đến hôn giúp nó tỉnh lại. Phải công nhận trí tưởng tượng của trẻ là bất tận nếu chúng ta biết cách khơi nguồn!
Nâng cao kỹ năng giao tiếp của trẻ
Khi đọc sách, bạn và bé đều chú ý vào nội dung câu chuyện trong quyển sách, và những cuộc trò chuyện khi đọc sẽ giúp rèn giũa kỹ năng giao tiếp của trẻ. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ trò chuyện trong lúc cùng đọc sách trước khi ngủ. Hãy cho trẻ biết rằng mọi ý kiến đều được hoan nghênh để trẻ thoải mái nói ra suy nghĩ của mình.
Có những đêm hai mợ cháu mình đọc mãi chẳng xong một câu chuyện, vì cô bé bận huyên thuyên với hết câu chuyện này đến câu chuyện khác. Và cũng là lúc mình bị “hack não” với vô số những câu hỏi “Tại sao?”. Nhiều lúc có những câu hỏi khiến mình “đứng hình”, phải suy nghĩ thật kỹ mới dám trả lời. Và mỗi câu trả lời đều phải cặn kẽ, chính xác.
Ngay sau đó bé sẽ sử dụng chính những câu trả lời của mình cho những cuộc giao tiếp khác, nhiều khi nói vanh vách như được lập trình sẵn. Mình hiểu ra rằng, bối cảnh câu chuyện và một cuộc “trò chuyện sâu” là nền tảng quan trọng tác động đến khả năng giao tiếp của bé.
Thông qua đó mình cảm nhận được rằng khả năng xâu chuỗi và sử dụng ngôn ngữ của bé rất tốt. Mà điều này cũng bắt nguồn từ việc bé có nhiều vốn từ thông qua đọc sách, nhất là khi người đọc sử dụng giọng thoải mái, hài hước và có nhấn nhá.
Tăng tính kết nối với trẻ
Đọc sách cũng mang lại cho trẻ thời gian gần gũi với cha mẹ, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tình cảm và trí tuệ cảm xúc ở trẻ. Nó khiến trẻ giảm bớt sự phòng thủ, mở lòng để nói ra những điều chúng đang vướng mắc. Ngoài ra, khoảng thời gian tiếp cận trẻ cùng những câu chuyện như thế này là cơ hội vàng để hiểu và gắn kết cùng trẻ.
Khi đọc sách cho cháu, mình cảm nhận rất sâu sắc điều này. Đến bây giờ, bé quấn mình hơn cả mẹ cháu và luôn nói líu lo những khi cạnh mình. Đặc biệt, có những điều thuộc về “bí mật”, bé chỉ nói riêng với mình. Vì mình không phải người chăm sóc bé, nên mình tin tất cả những điều này là do sự gắn kết khi mình đọc cùng bé.
Thiết nghĩ, mình là người không máu mủ mà còn tạo được sự liên kết quý giá như vậy thì những bậc làm cha mẹ sẽ có những kết nối còn diệu kỳ hơn khi đọc cho trẻ. Niềm tin, và cảm giác an toàn ở trẻ cũng phần nào được hình thành từ thói quen đọc này.
Khuyến khích trẻ thích đọc sách
Với mình, đây là điều quan trọng nhất, ít nhất trong trường hợp của mình. Khi mình không phải là mẹ của bé, và càng không muốn bé ôm điện thoại suốt ngày. Nên khơi dậy tình yêu sách của bé là mục tiêu của mình ngay từ đầu.
May mắn đến nay mọi thứ vẫn ổn, hôm nào bé mè nheo không muốn đi học vào buổi sáng thì một lời hứa đọc sách vào buổi tối đủ làm cô bé bớt nhõng nhẽo. Và cuối ngày sẽ không quên nhắc “Mợ Hai ơi, đọc sách nha!”. Vậy nên, bây giờ và cả sau này nữa, dù bận rộn đến mấy mình vẫn nhủ lòng sắp xếp thời gian để đọc cho bé.
Yêu thích đọc sách là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể tặng cho con mình.
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc sách cho trẻ. Theo một báo cáo năm 2018 của HuffPost Canada, việc đọc sách cho trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sẽ tăng cường khả năng ngôn ngữ, từ vựng lẫn khả năng đọc viết. Những lợi ích này vẫn còn rõ ràng cho đến bốn năm sau đó. Vì vậy, hãy tạo thói quen đọc trước khi đi ngủ cho con bạn ngay từ bây giờ, bất kể trẻ mới sinh, hay chưa biết nói. Mình tin, trẻ em ở mọi lứa tuổi thích những câu chuyện trước khi đi ngủ nếu được đọc đúng cách. Trải nghiệm thú vị này tạo ra cảm giác thoải mái cho trẻ, từ đó nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của chúng và thúc đẩy chúng tự đọc sau này.