trangduongtd
Tại sao phụ nữ đọc sách chữa lành nhiều hơn đàn ông?
Updated: Aug 30, 2022
Khi tôi thực hiện câu hỏi khảo sát “Tại sao bạn đọc dòng sách chữa lành?” trên group Facbook của Khi Phụ Nữ Đọc, 80% các câu trả lời đều quy về một ý: Khi nhận ra tâm hồn mình đang chịu tổn thương, chúng ta sẽ tìm đến đến những cuốn sách chữa lành để hiểu và chữa trị cho bên trong mình. Nhưng không phải ai cũng nghĩ sách chữa lành chỉ dành cho những người bị tổn thương cảm xúc, cũng có bạn quan tâm đến chữa lành cơ thể hơn là những cuốn sách tâm linh.

Vậy, chính xác sách chữa lành là gì? Sách về chữa lành cơ thể có thuộc dòng sách chữa lành?
Theo từ điển Cambridge, Tự chữa lành (self-healing) có 2 tầng nghĩa. Một là cơ thể tự trở nên khỏe mạnh hoặc hoàn thiện trở lại sau tổn thương mà không có tác động bên ngoài. Hai là quá trình một người tự chăm sóc bản thân sau những trải nghiệm đau đớn về cảm xúc và cảm thấy tốt hơn. Như vậy, có thể nói, các dòng sách tự chữa lành là để hướng chúng ta đến quá trình tự chăm sóc bản thân sau những tổn thương cả về cảm xúc lẫn thể chất.
Đa phẩn sách tự chữa lành sẽ tập trung vào việc giúp người đọc hiểu được những tổn thương của chúng ta đến từ đâu? Tại sao chúng ta lại có những tổn thương đó? Làm sao để giải thoát chính mình ra khỏi những tổn thương bên trong tâm hồn và phục hồi cơ thể. Để chữa lành tổn thương cảm xúc, tâm lí, chúng ta có các dòng sách như: Tỉnh thức, Đạo, Triết học tâm linh, cách sống… giúp ta biết yêu thương bản thân mình hơn, nhận diện rõ hơn cảm xúc của bản thân. Để chăm sóc những tổn thương của cơ thể, chúng ta có những dòng sách về thực phẩm như ăn sạch (eat-clean), về tập luyện như thực hành thiền, yoga hoặc các phương pháp chăm sóc sức khỏe khác.
Điểm khác biệt giữa sách tự chữa lành và sách về các kiến thức y khoa cả về thể thất lẫn tâm thần đó là sách tự chữa lành hướng chúng ta đến những phương pháp thuận tự nhiên như thay đổi cách sống, tư duy về cơ thể và cảm xúc của chính mình. Chẳng hạn như với những dòng sách về Chánh niệm/ mindfulness hay Thiền, chúng ta sẽ được học về cách duy trì nhận thức từng khoảnh khắc về suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác cơ thể và môi trường xung quanh của chúng ta, thông qua lăng kính nhẹ nhàng, nuôi dưỡng.
"Chánh niệm cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong cơ thể, cảm xúc, tâm trí chúng ta và thế giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể tránh làm hại bản thân và người khác"– Thích Nhất Hạnh
Tại sao mọi người đặc biệt là phụ nữ lại tìm đến dòng sách chữa lành nhiều như vậy?
Điều đầu tiên đó là chúng ta nhận thức được mình đang bị tổn thương. Chúng ta thấy mình buồn nhiều hơn vui, suy nghĩ tiêu cực xuất hiện nhiều hơn những suy nghĩ tích cực, luôn cảm thấy bản thân không bằng người khác, thấy mình luôn trong trạng thái hay tức giận, suy diễn, và bị quá nhiều áp lực cuộc sống đè nặng.
Điều tiếp theo đó là chúng ta bắt đầu muốn yêu thương bản thân nhiều hơn, muốn mình khỏe hơn, đẹp hơn, sống hạnh phúc hơn, tinh thần lạc quan hơn, không muốn tiếp tục để tâm đến những bình luận khen chê từ người khác nữa.
Điều thứ ba đó là chúng ta muốn sống Tỉnh thức. Chúng ta muốn tập trung vào từng khoảnh khắc ở hiện tại thay vì miên man về quá khứ hay ảo tưởng về tương lai. Chúng ta muốn giữ tâm mình luôn an yên và tĩnh lặng, muốn nuôi dưỡng tình yêu với chính mình và tha nhân. Chúng ta không muốn nhìn thấy mình phán xét hay suy diễn, chỉ muốn giữ mình ở thực tại và vui vẻ với từng khoảnh khắc.
Điều thứ tư đó là chúng ta muốn kết nối sâu hơn với bên trong mình. Chúng ta biết mình còn một Higher-Self (Cái Tôi Cao hơn) chứ không phải chỉ có Bản Ngã. Chúng ta muốn gắn kết với nó, muốn tìm hiểu sâu hơn về sự xuất hiện của nó bên trong mình. Muốn đi sâu hơn vào những quy luật tâm linh, quy luật vũ trụ, muốn tìm hiểu rõ hơn về chúng ta là ai? Chúng ta làm gì ở thế giới này?
Tại sao ngày nay, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến dòng sách này?
Có một bạn nói đó là vì Truyền thông. Điều này không sai. Đây là tiền đề. Thế hệ bà và mẹ của chúng ta ngày xưa bị chi phối quá nhiều bởi định kiến xã hội, tư tưởng phong kiến. Họ không cơ hội được tiếp xúc với những lối tư duy khác. Thậm chí ngay cả Phật Giáo trong quá khứ cũng bị chi phối bởi các đạo luật xã hội và chính trị, dẫn đến phụ nữ vẫn không nhận được những giáo dục đúng đắn về cách yêu thương bản thân mình. Chính sự phát triển của Internet và truyền thông đã mang đến cho chúng ta những cái nhìn đa chiều về cuộc sống, và tự suy xét về bản thân mình. Ngay cả những người bà, người mẹ đã từng có những tư tưởng nặng nề về cách làm vợ, làm dâu, làm phụ nữ cũng bắt đầu có những thay đổi trong tư duy khi tiếp xúc nhiều hơn với Facebook và các trang MXH.
Nhưng lí do quan trọng nhất đó là xuất phát từ trải nghiệm của chính mình. Trang là một ví dụ, ngay từ nhỏ Trang đã thắc mắc tại sao mẹ mình lại phải là một người vợ chịu đựng như vậy? Tại sao phụ nữ luôn là người phải hi sinh vì đàn ông và gia đình? Tại sao trong ngày giỗ ,phụ nữ phải dậy sớm thức khuya vùi mặt trong bếp nhưng chỉ được ngồi bàn dưới hoặc ngồi sau bếp? Tại sao rõ ràng có luật trẻ em, mà mình vẫn bị đánh, vẫn bị bạo hành, mình phải gọi ai, nói ai để được bảo vệ? Trang cũng học được y nghĩa của sự buông bỏ khi lâm vào một mối quan hệ độc hại. May mắn nhất là càng lớn, những câu hỏi đó của Trang càng được giải đáp thông qua sách, trải nghiệm sống và kiến thức lĩnh hội được từ những mối quan hệ xung quanh.
Tuy nhiên, có một số người xung quanh Trang, dù được tiếp xúc rất nhiều với những kiến thức tự chữa lành, nhưng họ không có nhu cầu quan tâm đến việc chữa lành. Giống như có bạn chỉ quan tâm đến chữa lành cơ thể nhưng không quan tâm đến những cuốn sách tâm linh, hoặc có bạn hoàn toàn không hiểu tại sao phải có dòng sách chữa lành này chẳng hạn. Mỗi người một trải nghiệm, do đó suy nghĩ và quan tâm của chúng ta cũng khác nhau. Chính vì thế, cũng không thể phán xét ai đúng ai sai qua việc họ có đọc dòng sách này hay không.
Tựu chung lại, dòng sách Tự Chữa Lành được dành cho những người cảm nhận được mình đang bị tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất, mong muốn được hiểu sâu hơn về bản thân, cơ thể, mong muốn được kết nối với chính mình để tự khiến mình hạnh phúc.