Hòa Hòa
Tiến trình thành nhân
Updated: Oct 26, 2022
“Tiến trình thành nhân” của Carl R. Rogers là một cuốn sách dành cho những ai có mong muốn hiểu rõ về quá trình trở thành chính con người mình của hiện tại.

Tên sách: Tiến trình thành nhân
Tác giả: Carl R. Rogers
Giá bìa: 129.000 đồng
Đơn vị phát hành: NXB Phụ Nữ
Nội dung tóm tắt: Dưới lăng kính của một nhà tâm lý trị liệu, cuốn sách sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trình trở thành chính mình. Ở đó, ta sẽ được chỉ dẫn để tự mình đi sâu vào nội tâm của mình, nhận biết được những tổn thương, học cách ôm lấy bản thân và xây dựng nên mối tương giao giữa mình với mình và giữa mình với người khác.
Tiểu sử Carl R. Rogers và liệu pháp Thân chủ Trọng tâm
Carl R. Roger sinh ngày 8/1/1902, tại Oak, Mỹ. Ông là con thứ trong một gia đình theo Tin Lành nghiêm khắc. Gia đình ông có trang trại rộng, cùng với lòng say mê nghiên cứu khoa học nên không khó hiểu khi ông theo học ngành Canh nông tại Đại học Wisconsin. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông quyết định học ở Chủng viện Union Theologial Seminary năm 1924. Tại đây ông bị hấp dẫn bởi các bài thuyết giảng về tâm lý và tâm lý trị liệu. Sau đó ông chuyển tới trường Sư phạm thuộc đại học Columbia. Năm 1931, ông nhận bằng tâm lý học giáo dục và lâm sàng. Ông giảng dạy tại đại học Rochester từ năm 1935 và đến năm 1940 trở thành giáo sư tâm lý học lâm sang tại Đại học bang Ohio. Tại đây, ông có bài phát biểu đầu tiên về học thuyết phát triển mới và xây dựng phương pháp tiếp cận thân chủ mà ngày nay gọi là Liệu pháp lấy thân chủ là trọng tâm.
Carl R. Rogers được coi là một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Liệu pháp Thân chủ Trọng tâm (Client-centered) của ông là một liệu pháp theo trường phái Nhân văn, tập trung vào cá nhân thân chủ (person-centered counseling). Ở đó nhà tâm lý đóng vai trò là người hướng dẫn và hỗ trợ để thân chủ tự trả lời được những câu hỏi của mình. Rogers nhận ra rằng thân chủ chính là người biết rõ được điều gì đã làm nên những tổn thương và các vấn đề nơi họ. Trong phòng trị liệu, Rogers tạo ra một bầu không khí cởi mở, an toàn, xây dựng mối tương giao hòa hảo, đáng tin cậy, chân thật giữa nhà trị liệu với thân chủ. Ông nhấn mạnh vào sự thấu cảm, chân thành và chấp nhận mọi điều từ thân chủ vốn như là mà không phán xét. Ông đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng tự thay đổi và chữa lành ở bên trong mỗi con người.
”Dần qua kinh nghiệm tôi đi đến kết luận rằng, con người có trong mình cái khả năng và xu hướng tiềm ẩn, nếu không muốn nói là hiển nhiên, tiến tới sự trưởng thành.”
Tiến trình thành nhân – “nói về cuộc sống – một cuộc sống tự phơi bày linh động qua tiến trình trị liệu. Cuộc sống với tất cả sức mạnh mù quáng và khả năng tàn phá kinh khủng của nó. Nhưng, cũng cuộc sống ấy – có sức bật mạnh mẽ hướng tới sự tăng trưởng, nếu có cơ hội thuận tiện.”
Dũng cảm sống con người thật của mình
Mình đã vô cùng xúc động khi đọc từng trang của cuốn sách. Một tư tưởng mong được gặp gỡ bấy lâu nay được tìm thấy trong cuốn sách này. Đó cách sống và làm việc trên tinh thần tận tâm hết mình. Đó là một tấm lòng muốn được lắng nghe và giúp đỡ mọi người vượt qua được những khó khăn nội tâm. Rogers khuyến khích mọi người dám sống với con người thật của chính mình. Với những ca lâm sàng được ông mô tả chân thực trong cuốn sách, mình ít nhiều cũng tìm thấy được hình ảnh của mình ở trong đó. Những con chữ trong cuốn sách có tính trị liệu đã xoa dịu được những hố thẳm của mình.
Mình chợt nhận ra, hành trình trị liệu cũng giống như hành trình hiểu mình. Và những ai dũng cảm đi lên con đường đó sẽ được hồi đáp một cách xứng đáng. Đi sâu vào nội tâm của mình, có biết bao nhiêu gập ghềnh, tưởng chừng như muốn chùn bước. Thế nhưng, chỉ cần mình có mong muốn vào sự phát triển tốt đẹp của bản thân và đặt niềm tin ở nơi mình thôi. Mình có một lịch sử, và chỉ có mình mới biết được tất thảy những chân tướng đưa mình đến với mình của ngày hôm nay. Đến mình còn không thể thấu cảm và thông cảm cho mình thì ngoài kia còn ai? Thật không dễ dàng gì để nhìn lại nhưng cuốn sách cho người đọc một điểm tựa “nâng đỡ”.
Chấp nhận con người mình vốn là, bao gồm cả những điểm tốt và xấu. Lắng nghe chính mình một cách chân thành không phán xét. Tôn trọng và yêu thương chính mình một cách thật nhiệt tình… “Dũng cảm lên” - cuốn sách thủ thỉ - “tôi ở bên cạnh bạn, tôi có nhiều kinh nghiệm trong nhiều tình huống và tôi cũng khách quan trong việc luôn sẵn lòng lắng nghe và đón nhận mọi thứ xung quanh bạn.”
Học nhà trị liệu cách xây dựng mối tương giao với người khác
Trong kinh nghiệm trị liệu của mình, Rogers đã học hỏi được rất nhiều từ việc xây dựng mối tương giao với thân chủ của mình. Ông chia sẻ:
“Tôi có thể lắng nghe tôi trong tất cả những thái độ, những tình cảm khác nhau này.”
“Khi tôi cho phép mình hiểu người khác thì đó là điều quý giá mà tôi đã học hỏi được.”
Những cuộc hội thoại đi sâu vào thế giới nội tâm của thân chủ và hiểu được tất thảy những kì quặc diễn ra trong đó -“từ những kinh nghiệm này, tôi học hỏi được những cách làm thay đổi con người mình, làm mình trở thành con người khác hẳn, biết đáp ứng hơn.”
Những chia sẻ ấy khiến mình cũng muốn nhập vai vào nhà tâm lý trị liệu, học cách thấu cảm và nâng đỡ với những người xung quanh. Lúc này, mình nhớ đến bài học về sức mạnh trong thời gian học Ki-Aikido. Mạnh không phải là sức mạnh để bạn nhấn dìm người khác xuống mà mạnh có nghĩa là bạn có thể nâng đỡ được người khác đứng lên. Mình nhận ra, ai cũng có những vấn đề của riêng mình và họ đều gặp những trở ngại nhất định trên tiến trình tháo gỡ nó. Không phải ai cũng đủ sáng suốt và mạnh mẽ để suy nghĩ mạch lạc, để bước qua mà không hề hấn gì. Điều mà mỗi người cần khi gặp khó khăn, ấy chính là sự thấu hiểu cảm thông từ những người xung quanh, sự lắng nghe mà không phán xét, sự hiện diện dù là lặng yên để cảm thấy được an toàn.
Chính cách mình ở bên một người khi họ cần giúp đỡ sẽ là cách mình tạo nên một mối tương giao chóng vánh hay là lâu bền. Bên cạnh đó, còn cho mình học được kinh nghiệm trải qua khó khăn của họ. Từ đó, mình trở nên phong phú và cũng tự rèn luyện cho mình được một tâm thế vững vàng hơn khi có vấn đề xảy ra.
Cuốn sách này có khó đọc không?
Có. Lấy điểm nhìn của chính tác giả kể về kinh nghiệm học hỏi và làm việc với thân chủ, ông miêu tả cách ông đi sâu vào nội tâm của người cần được trị liệu. Mặc dù ông dùng văn phòng khá dễ hiểu song người đọc vẫn cần chút nỗ lực để có thể dõi theo được mạch của cuốn sách. Khi đã bắt được mạch rồi, mình tin rằng mỗi người sẽ tìm thấy được câu trả lời cho những câu hỏi từ bên trong mình.
“Cuốn sách này cũng đề cập đến những kinh nghiệm rất cá biệt của mỗi chúng ta. Về một thân chủ trong phòng của tôi, đang ngồi bên góc bàn, nỗ lực phấn đấu để được-là-mình, nhưng cũng rất kinh hoàng sợ-là-mình. Thân chủ đó đang cố gắng đúng với kinh nghiệm hiện tại của mình, nhưng cũng tỏ ra rất run sợ trước viễn cảnh đó”.
Bạn có sẵn sàng bước vào hành trình tự hiểu mình không? Nếu câu trả lời là có, thì quyển sách này dành cho bạn.
Mong rằng bạn sẽ tìm thấy được những xoa dịu khi đọc từng con chữ trong cuốn sách này.