Hòa Lương
Tôi tự học
Updated: Oct 26, 2022
Tôi tự học là cuốn sách của Nguyễn Duy Cần đưa ra quan điểm về những điều cần và nên làm để việc tự học đạt hiệu quả. Đồng thời cũng là những hướng dẫn để người đọc tự xây dựng nền tảng văn hoá cả về bề sâu lẫn bề rộng.

Tên sách: Tôi tự học
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Giá bìa: 75.000 đồng
Đơn vị phát hành: NXB Trẻ
Nội dung tóm tắt:
Cuốn sách Tôi tự học của Nguyễn Duy Cần là cẩm nang gợi ý tự học, thực học cho mỗi người trong suốt cuộc đời. Tác giả đưa ra nhiều khái niệm, phản biện những tư tưởng đang bị làm cho sai lệch. Từ đó giúp người đọc hiểu hơn giá trị thực của việc xây dựng nền tảng văn hoá cho bản thân về cả bề rộng và bề sâu.
Những điều tôi ấn tượng từ cuốn sách Tôi tự học
Để nỗ lực lâu dài cần phải có hứng thú
Cả cuốn sách của học giả Nguyễn Duy Cần đều mang lại cảm giác đã được chọn lọc nội dung kỹ lưỡng trước khi biên soạn. Bởi lẽ đọc tới đâu độc giả sẽ gật gù và trầm ngâm chiêm nghiệm tới đó, khó bỏ được phần nào.
Ngay từ những trang đầu tiên, tôi đã tán thưởng quan điểm "Tự học là một nghệ thuật. Là nghệ thuật thì không thể truyền được." Tác giả cũng so sánh việc học với việc ăn. Con tằm ăn dâu để nhả ra tơ, con cừu ăn cỏ để tạo ra lông. Chúng ta không học để tiếp thu kiến thức đơn thuần mà quan trọng hơn cả là mang những gì mình học được ra áp dụng vào thực tế. Nói như tác giả là phải có "sự tiêu hóa" tri thức.
Tuy nhiên, việc học, dù là bất cứ lĩnh vực nào, đào sâu chuyên môn hay xây dựng văn hoá nền, đều cần có hứng thú mới có thể theo đuổi lâu dài và bền bỉ. Một người chỉ thích làm việc tay chân, không thiết tha gì với sách vở mà bắt họ đọc sách mỗi ngày là chuyện không thể. Hoặc như kẻ học vì bằng cấp, danh lợi mà không phải khao khát hiểu biết thì cũng khó duy trì được lâu.
Soi chiếu ngược lại vào hành trình học tập của bản thân, nhận định này tới nay vẫn có giá trị. Tôi thích đọc sách, thích tìm hiểu những thứ xung quanh, thích được học. Tôi cũng xác định sẽ còn học suốt đời. Niềm yêu thích ấy giúp tôi thấy tò mò trước những điều mới lạ, muốn khám phá những điều tôi chưa biết hoặc chưa rõ.
Nếu không có lòng hứng thú, người ta khó làm được một việc gì đó tự nguyện trong thời gian dài.
Những điều kiện cần cho việc tự học hiệu quả
Không chỉ giải thích các khái niệm liên quan tới việc tự học một cách cặn kẽ, tác giả còn nêu ra những điều kiện cần thiết để việc tự học đạt hiệu quả. Trước tiên là yếu tố thời gian. Việc học cần được thực hiện mỗi ngày, trong một thời gian cố định càng tốt và không được học với tâm thế đốt cháy giai đoạn, học tắt, học mau…
Để làm được điều ấy, người học cần biết quý trọng thời gian, không dành thời giờ của mình cho những việc tản mát hay những chuyện, những người có thể làm mình phân tâm lúc học. Nếu được thì khi học nên ẩn dật, chọn một không gian riêng tư không bị ai hay điều gì quấy rầy. Đó cũng là ý nói người ta phải có được sự tập trung tinh thần và đơn giản hóa đời sống của mình.
Ngoài ra, mỗi người cũng cần đào luyện cho mình óc tổng quan, tức là không chỉ tìm hiểu về chuyên môn mà còn cần đọc biết nhiều lĩnh vực khác nữa. Óc nhân quả giúp ta liên hệ các vấn đề một cách logic trước sau, cái nào dẫn tới cái nào, có đầu có cuối. Cái học thực chất là cái học mà người ta hiểu được một việc từ ngọn nguồn tới biểu hiện.
Người học cũng cần cả óc tế nhị để quan sát mọi thứ, nhận ra sự khác biệt, sự tương đồng giữa chúng với nhau. Óc thán thưởng, tò mò và ngây thơ cũng cần thiết để ta giữ được lòng say mê khám phá, hứng thú với mọi điều. Và để tự học thì phương tiện chính yếu là đọc sách bởi sách có khả năng dung chứa thông tin vô tận theo trục thời gian. Trong khi đời người hữu hạn thì sách lại chứa đựng lượng kiến thức vô cùng.
Uống nước tận nguồn, đọc sách nguyên văn
Học giả Nguyễn Duy Cần không chỉ bàn về vai trò chính yếu của đọc sách trong hành trình tự học mà còn đưa ra những hướng dẫn đọc sách như thế nào cho hiệu quả. Trong đó, tôi ấn tượng nhất với nội dung uống nước tận nguồn, đọc sách nguyên văn. Không phải đến tận ngày nay sách dịch từ các sách nước ngoài mới được người Việt ưa đọc mà ngay từ thời xa xưa chúng ta đã có văn hóa ấy. Thời phong kiến, ta học chữ Hán, đọc sách Hán văn. Thời Pháp thuộc, Mỹ chiếm, ta đọc các sách của phương Tây. Ngày nay, sách dịch lại càng được nhiều người tìm đọc.
Tuy vậy, việc đọc sách cũng như uống nước, nên tìm đến khởi nguyên để có thể thấy hết giá trị, cái hay cái đẹp của nó. Theo tác giả, đọc sách dịch hoặc các tài liệu do người khác viết về tác giả ấy, cuốn sách ấy trước khi đọc chính nó làm cho người đọc bị đi vào con đường mòn, hiểu theo cách của người dịch, người bàn.
Ví như trước khi đọc một tác phẩm văn học nước ngoài mà ta chỉ đọc bản dịch hoặc các tài liệu bình luận, phân tích về tác phẩm ấy thì chắc chắn ý nghĩ của ta sẽ nương theo cách nhìn của người mà ta đọc. Cho nên, khi đọc một sách nào cũng nên đọc nguyên văn trước tiên. Có vậy mới cảm nhận được tư tưởng sâu sắc hoặc văn phong điêu luyện của người viết.
Học viết văn và học dịch văn là hai cách tự học
Bên cạnh các điều kiện tự học, tác giả cũng nêu ra những phương pháp tự học. Ngạc nhiên thay, tác giả chỉ đề cập hai cách là học viết văn và học dịch văn. Tất nhiên, trước đó tác giả đã khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp lý thuyết với việc vận dụng vào thực tiễn. Theo ông, mỗi người nên học viết "lối văn tự nhiên mà hàm súc, giản dị và nhẹ nhàng".
Ông cũng nói thêm, để xây dựng được lối viết ấy không gì hơn là phải luyện viết cho thường. Khi viết văn, ta cũng cần có óc phê bình nghệ thuật để tự đánh giá bài viết của mình, tránh sa vào lối viết tầm thường hoặc cẩu thả.
Hơn thế nữa, Nguyễn Duy Cần khẳng định: "Cho nên học làm văn, cần phải học làm người trước hết". Ta cần bồi dưỡng phẩm cách của mình thành một người thật thà, chất phác. Văn là người và phẩm chất của con người cũng được thể hiện qua văn của người đó.
Với việc dịch văn, tác giả nhấn mạnh hai điều cần làm. Thứ nhất là phải đi từ cái chung đến cái riêng, đi từ ý chính của đoạn để đi tìm ý nghĩa của từng chi tiết. Thứ hai là người dịch văn cần theo cái lý mà dịch chứ không chăm chú vào hình thức tương đồng giữa các câu văn. Nghĩa là khi dịch văn, người dịch cần nắm được nội dung tổng quát, logic của tác phẩm trước hết rồi mới xem tới hình thức câu từ.
Muốn tự học nhất định phải có nguyên tắc làm việc
Ngoài phân tích các khái niệm liên quan tới việc tự học, tác giả cũng đề xuất một số nguyên tắc tự học của bản thân. Nguyên tắc đầu tiên là cần phải đi từ cái dễ tới cái khó và nhất định cần tin ở sự thành công. Nếu con đường bạn đi dài quá, nhiều chướng ngại quá thì nên chia nhỏ nó ra thành các giai đoạn cụ thể. Từ đó dần chinh phục từng nấc thang một.
Nguyên tắc thứ hai được tác giả gợi ý là cần làm phải làm việc liên tục, không gián đoạn. Nói vậy không phải là bạn cần làm ngày làm đêm mà cốt ở chỗ ngày nào cũng học, cũng làm. Việc tự học nên đi từ cái cơ bản nhất, sơ đẳng nhất. Người học không nên mang tâm lý muốn học tắt cho nhanh, học đốt cháy giai đoạn kẻo phản tác dụng.
Để học tốt ta còn cần phải biết chọn lọc thứ để học và quý trọng thời gian. Chúng ta nên chọn công việc phù hợp với khả năng của mình, tập trung vào đó để phát triển. Bên cạnh trung tâm đó, ta cũng nên có vài trung tâm hoạt động phụ thuộc. Thành công sẽ khó đến nếu ta không tập trung, không đặt việc tôn trọng thời gian thành một thứ kỷ luật. Ta cần phải biết cách khước từ những cuộc chuyện trò giải trí và cả những thú vui không thực cần thiết để dành thời giờ cho việc theo đuổi mục tiêu cuộc sống của mình.
Hơn thế nữa, khi làm việc gì ta cũng nên làm đến cùng để không phải quay lại làm nó thêm lần nữa. Và để thực hiện tất cả những điều trên thì trước hết ta cần phải rèn luyện cho thân – tâm – trí khỏe mạnh. Bởi thân có khỏe thì tâm mới an và trí mới mạnh. Không có sức khoẻ ta sẽ không thể làm được việc gì một cách thoải mái.
Những đầu sách tham khảo và các trích dẫn hay
Trong cuốn sách Tôi tự học, tác giả viện dẫn rất nhiều cuốn sách cũng như các trích dẫn từ những sách ấy hoặc triết lý của những bậc học giả cổ kim, Đông Tây. Chúng làm cho mỗi lập luận mà tác giả đưa ra có căn cứ, xác đáng và đáng tin cậy hơn. Không chỉ lồng ghép vào từng nội dung, người viết còn dành hẳn phần phụ lục "Lời hay ý đẹp" để liệt kê 194 trích dẫn của những học giả xưa nay được nhiều người kính trọng.
Một số khó khăn khi đọc Tôi tự học
Ngoài những ấn tượng tốt đẹp dành cho cuốn sách, tôi cũng nhận thấy một số khó khăn khi tiếp cận Tôi tự học của Nguyễn Duy Cần. Vì được viết vào những năm 90 của thế kỷ XX nên cách dùng từ, văn phong và những tài liệu tham khảo được tác giả đưa vào sách cũng phù hợp nhất với thời đại của ông. Điều này có một khoảng cách nhất định so với chúng ta ngày nay khiến nhiều chỗ tôi cần phải dành thời gian để tra cứu thêm mới rõ.
Ví như tên của các cuốn sách, các công trình nghiên cứu nước ngoài cũng được ông dẫn vào bằng nguyên văn là tiếng Anh hoặc Pháp. Số lượng những tài liệu này xuất hiện trong sách không ít mà muốn biết tên tiếng Việt thì người đọc cần phải dành thời gian tìm hiểu dẫn đến việc phân tâm trong khi đọc.
Một điều đáng bận tâm nữa là những luận điểm ông đưa ra dường như dành cho các ngành khoa học xã hội sẽ phù hợp hơn các ngành tự nhiên. Điểm này cũng dễ hiểu nếu ta đặt vào bối cảnh xã hội đương thời khi phần đông các học giả, người viết là những người học xã hội, triết học, sử học, văn chương.
Dù có thể là một cuốn sách không dễ đọc hiểu được ngay nhưng Tôi tự học của Nguyễn Duy Cần vẫn là cuốn cẩm nang gợi ý và khích lệ tinh thần tự học trọn đời mà mỗi người nên đọc ít nhất một lần trong đời.
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Hòa Lương và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!