top of page
  • Writer's pictureThúy Ngô

Trái tim người cha

Updated: Aug 30, 2022

Cuốn sách như một món quà dành riêng cho những bậc cha mẹ có con tự kỷ. Đến với cuốn sách, chúng ta sẽ thấu hiểu con hơn và có được niềm tin vững vàng hơn trong suốt hành trình đồng hành cùng con.


Tên sách: Trái tim người cha

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Hà

Giá bìa: 58.000

Nhà xuất bản: Tổng hợp TP.HCM


Trái tim người cha kể lại câu chuyện cảm động về một người cha có con tự kỷ. Từ buổi đầu choáng váng khi biết tình trạng của con, cùng những tháng ngày trốn chạy đến quá trình đồng hành cùng con đầy nỗ lực, đẫm mồ hôi lẫn nước mắt. Đây cũng là quyển sách thứ hai về đề tài tự kỷ của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà.


Hoàng Yến là một đứa trẻ chẳng may rơi vào “một thế giới kỳ dị, đơn độc, hỗn loạn chứa đầy nguy hiểm”. “Thế lực đen tối nào đó âm thầm ăn mòn dần lời nói, ánh mắt linh hoạt cùng sự vui vẻ đón chào cha mẹ và những kết nối với thế giới rộng lớn ngoài kia.”

Bé đi nhón chân, hay la hét, “thích thú, say đắm nhìn những vòng xoay”, “trở chứng” vào những ngày trăng tròn và hay cào cấu người khác. Bé mắc một căn bệnh mà nghe đến ai cũng sợ, một căn bệnh thời đại mang tên “tự kỷ” mà người đời đang gắn cho cái mác “đặc biệt”. Từ hoàn cảnh đáng thương của cô bé, nổi bật hình ảnh một người cha sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để tìm lại hai chữ “bình thường” cho con.


Sách Trái tim người cha có sáu phần chính, sắp xếp theo thứ tự thời gian kéo dài gần một thập kỷ. Mở đầu với “con gái tự kỷ - mắc kẹt và chạy trốn”, rồi đến “những mảnh vỡ cần nhau”, “vẫn như con thuyền trôi vô định trong bão tố”,... và cuối cùng là “những cuộc dịch chuyển”.

Xuôi theo mạch câu chuyện là những diễn biến tâm lý phức tạp của người cha. Từ khi “mắc kẹt trong một cái hang, không biết đâu là lối thoát” đến “trốn chạy tình thế”, rồi “căng thẳng, kiệt sức” và sau cùng là “tỉnh thức, giác ngộ”, hiểu để sẵn sàng đồng hành cùng con vượt qua số phận, dẫu biết khó khăn trùng trùng.


Trái tim mình như mềm ra qua từng trang sách với cách kể chuyện của tác giả Việt Hà. Thật ra, nhân vật chính và tác giả chỉ đơn giản kể lại câu chuyện thật người thật. Nhưng mình nghĩ nó có những trọng điểm mà nếu lưu ý chúng ta có thể cứu lấy cuộc đời của những đứa trẻ kém may mắn này.


Đầu tiên là sự nhận thức đúng đắn về căn bệnh của con. Thoạt đầu không chấp nhận được thực tại, thậm chí còn chối bỏ nó, suýt nữa cha Hoàng Yến đã đánh mất gia đình. Nhìn tờ đơn ly dị vợ đưa, bỏ ra khỏi nhà trong đêm, giằng xé giữa gia đình và sự nghiệp khiến anh cảm giác như vừa nhận “một cú nốc ao”.


Đó là lúc nỗi đau dâng lên cùng cực, và anh phải tự vật lộn với cảm xúc hỗn độn của mình. Thế nhưng, đây cũng là lúc anh thực sự thức tỉnh, để hiểu ra rằng điều gì khiến anh thực sự hạnh phúc. Lúc này, trái tim và lý trí của anh đã hòa thành một hướng khiến anh hành động quyết liệt để cứu con và cứu lấy hạnh phúc gia đình.


Ngày hôm đó đã đánh dấu một hành trình gian nan mà đầu tiên anh phải chọn nghỉ việc không lương để đưa con vào trường chuyên biệt. Sự nhận thức của anh về căn bệnh của con chỉ mới là bắt đầu. Dần dần anh hiểu ra kiến thức, và sự nỗ lực thôi vẫn chưa đủ. “Cha mẹ mới là người giáo viên tốt nhất của con, chỉ có cha mẹ mới hiểu, cảm thông và đi hết cuộc đời con”, vì vậy anh quyết định đưa con về nhà tự can thiệp.

Do vậy, anh vượt đường xa để tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm từ một gia đình có con tự kỷ đã can thiệp thành công. Anh xin giúp đỡ từ thầy hiệu trưởng trường chuyên biệt. Thậm chí, anh nhập vai vào một đứa trẻ tự kỷ để tìm hiểu xem vì sao những vòng xoay lại khiến con mê mẩn. Và sau tất cả, anh đã giác ngộ, rằng không có con đường nào khác ngoài đồng hành cùng con.


Sau những nỗ lực khiến anh mướt mồ hôi, lắm lúc làm kiệt sức và phải cố nuốt nước mắt vào trong, Hoàng Yến đã dần tiến bộ, dù sự tiến bộ của con chỉ như con ốc sên bò lên bò xuống. Thế nhưng, từ ngày con đền đáp sự cố gắng của anh bằng ngón tay chỉ trăng, bằng tiếng gọi “cha” đầu tiên, bằng việc biết phân biệt mùi vị khi ăn… đến ngày con đi học, hòa nhập cùng bạn bè và sống một đời sống như con vốn có là những tháng năm ròng rã, mà ở đó mấu chốt chính là sự kiên trì. Kiên trì cùng con tiến rồi lùi, kiên trì nói chuyện cùng con, cùng con về quê để có bạn bè.


Để đến cuối cùng, hành trình gian nan đã kết thúc có hậu. Ta không chỉ thấy hạt giống nảy mầm trên sa mạc, Hoàng Yến đã tự lập và hòa nhập như bao trẻ khác, mà còn cảm nhận được tình cha thiêng liêng.


Ngoài mạch chuyện lôi cuốn với trải nghiệm thực tế của người cha cùng với lý thuyết đậm tính chuyên môn về trẻ tự kỷ. Trái tim người cha còn để lại ấn tượng ở cách khơi gợi câu chuyện và thu thập chất liệu viết khéo léo của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà. Tác giả đã kể lại câu chuyện của người khác với bộ óc trí tuệ cùng những con chữ thấm đẫm sự thấu cảm. Tám năm của một hành trình được khắc họa trung thực qua giọng văn giàu cảm xúc.


Với trái tim người cha, không gì là không thể! Trái tim người cha không đơn thuần là trải nghiệm của nhân vật, mà còn là ngọn đuốc thắp lên hy vọng và niềm tin cho những gia đình có con bị tự kỷ. Để họ đủ mạnh mẽ tìm một lối đi cho chính họ và con trẻ.

Thúy Ngô


Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thúy Ngô và blog Khi phụ nữ đọc. Chúng mình hoan nghênh bạn nhấn nút chia sẻ để lan tỏa bài viết. Hoặc bạn có thể sao chép trích dẫn nhưng hãy đảm bảo dẫn nguồn đầy đủ và đặc biệt là không bỏ tên tác giả.
Bạn có thể đọc thêm Quy định Bản quyền & Cộng tác của Khi phụ nữ đọc tại đây.
Cảm ơn bạn rất nhiều!


1 view
Nhớ đăng ký nhận Newsletter để không bỏ lỡ những thông tin thú vị về sách và sự kiện
bottom of page