Hòa Hòa
Trân trọng chính mình
Updated: Nov 4, 2022
“Trân trọng chính mình” của Patricia Spadaro là một cuốn sách giúp chúng ta quay về bên trong, làm việc với những suy nghĩ của bản thân để nó trở nên thông suốt và mạch lạc hơn. Từ đó, ta học được cách trân quý bản thân mình.

Tên sách: Trân trọng chính mình
Tác giả: Patricia Spadaro
Giá bìa: 98.000 đồng
Đơn vị phát hành: NXB Thanh Niên
Nội dung tóm tắt
Dựa trên nguyên lý đối nghịch trong cuộc sống, tác giả chỉ rõ cho người đọc những ngộ nhận và lầm tưởng về cách chúng ta xây dựng một đời sống ý nghĩa: sự hy sinh cho các mối quan hệ, nguyên tắc của việc cho và nhận, cách chúng ta đang đối xử với chính mình. Thông qua những lời hiền triết của những bậc hiền nhân từ Đông sang Tây, ta sẽ được dẫn dắt để hiểu đúng những bài học cuộc sống. Để từ đó, bóc tách những diễn ngôn đã khóa chặt chúng ta trong quá khứ, giúp chúng ta nhận ra những ngộ nhận rồi giải phóng tâm hồn để trở về với những nguyên sơ, giúp chúng ta hiểu chính mình hơn, học cách trân trọng chính mình và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác.
Trân trọng chính mình là gì?
Đã bao giờ bạn dành thời gian để đặt câu hỏi này cho bản thân và tìm cách trả lời nó chưa? Có thể đâu đó bạn nghĩ rằng mình nỗ lực làm việc, hy sinh cho người khác chính là cách mà bạn tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa. Nhờ đó mà bạn được sống là chính mình, được khẳng định mình và bạn gọi đó là trân trọng bản thân. Và có thể bạn quên mất rằng, trân trọng chính mình còn là việc bạn học cách yêu lấy chính mình.
Những điều mình nhận ra khi đọc xong “Trân trọng chính mình”.
Trân trọng chính mình là dành thời gian cho bản thân được nghỉ ngơi quay về bên trong mình
Mình vẫn luôn nghĩ một cuộc sống ý nghĩa là cần hy sinh làm mọi việc cho người khác, khiến bản thân thật bận rộn. Nhiều khi, mình đã tự đặt mình sau những ưu tiên của họ, phớt lờ những tiếng nói cảnh báo bên trong mình. Mình quên tự hỏi, đằng sau những việc làm ấy lại chính là “Mình có giấu bản thân sau cái mác hy sinh, bận rộn vì người khác để tránh chịu trách nhiệm cho những nhu cầu của mình?”
Không biết mình cần gì, muốn làm gì, trốn tránh những phần trách nhiệm mà đáng ra mình phải làm cho chính mình. Lao đi với những mong muốn và nhu cầu của người khác, mình cứ vậy mà mải miết không bao giờ dừng lại.
Trân trọng chính mình bắt đầu bằng việc nhận ra mình cần được nghỉ ngơi, cho bản thân có cơ hội quay về bên trong, lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình.
Sống thật với những cảm xúc và nhu cầu của bản thân. Đối diện với chúng, tìm cách học hiểu về chúng và chấp nhận chúng như chúng vốn là. Để từ đó, biết được mình đang yếu ở đâu, mình mạnh ở chỗ nào, vun bồi nội lực để mình vượt qua được khó khăn.
Để làm được như vậy, cần biết thiết lập ranh giới, tạo ra không gian riêng tư cho bản thân được nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng. Khi thiết lập ranh giới, ưu tiên lập kế hoạch cho chính mình trước. Có như thế, mình mới chủ động được đời sống của mình, trước khi bị cuốn vào dòng xoáy nhu cầu của người khác.
“Dù những mảnh ghép nhỏ làm nên cuộc đời bạn dường như không đáng kể; nhưng xét trên mối tương quan tổng thể, chúng tạo ra những hệ quả to lớn nhất. Nói cách khác, bạn có thể thấy rằng, đáp án cho câu hỏi “Ý nghĩa đời mình là gì?” cuối cùng cũng sẽ được bộc lộ qua đáp án của một câu hỏi khác: “Mình đang lựa chọn làm gì ngay lúc này?”
Trân trọng chính mình còn là học cách nói “Không” thay vì luôn nói “Có”, luôn đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của người khác. Trước kia, mình cứ hay nhạy cảm và sốt sắng trước các vấn đề của người khác, muốn nhảy vào cứu giúp luôn mà không biết chính người kia thực sự cần gì và tự làm được gì. Để đến khi mệt mỏi và chán nản trong mối quan hệ, thì mình có xu hướng cắt đứt, lẩn tránh. Còn họ lại lên tiếng trách móc vì mình quá vô tâm, thờ ơ. Và mình học được rằng, khi thiết lập ranh giới cho bản thân, giữa mình và người khác mới nhận biết được ý nghĩa của việc cho và nhận.
Trân trọng chính mình là học cách lên tiếng nhờ giúp đỡ
Mình thuộc kiểu người thích làm việc một mình. Nên mình ít khi lên tiếng nhờ giúp đỡ. Thật ra là mình không biết cách nhờ giúp đỡ vì mình sợ sẽ làm phiền người khác, cũng như nghĩ rằng mình không ổn thì mới cần người trợ giúp. Mình không biết rằng, cứ cố gắng gồng mình lên như vậy, từ chối sự giúp đỡ của người khác chính là một cách đẩy mình ra xa những người yêu quý mình. Trân trọng chính mình là tìm về nơi mình có thể được hỗ trợ, được nâng đỡ.
Hóa ra, tìm sự trợ giúp là dấu hiệu của sức mạnh. Thừa nhận điểm yếu của mình là một kiểu sức mạnh. Để hiểu rằng, mình không thể làm mọi thứ trên đời này một mình được. Hãy cho phép những người giỏi hơn đến giúp đỡ phần mình còn yếu kém. Và ngược lại, hãy dành những điểm mạnh của mình để tạo ra giá trị cho người xung quanh. Chúng ta sống trong một cộng đồng. Những gì mình làm dù nhỏ bé cũng có tác động đến người khác. Chẳng ai sống một mình nếu vẫn còn sống trong vòng kết nối xã hội cả. Con người vốn nương tựa vào nhau để cùng kiến tạo nên đời sống này. Cho phép người khác đến và giúp đỡ mình là cách mình yêu thương chính bản thân và với những người yêu thương mình.
Khi trân trọng chính mình bạn sẽ biết cách cho đi tốt đẹp hơn
Khi cởi bỏ được những nhầm tưởng trong xây dựng mối quan hệ: rằng phải càng gần, càng phải cho đi nhiều hơn mới tốt… mình bắt đầu được thả lỏng và biết rằng: tôn trọng và là chính mình, nuôi dưỡng thế mạnh của mình, dành thời gian cho mình chính là cách mình tạo ra được những mối quan hệ lành mạnh hơn. Để từ đó khiến cuộc sống trở nên cân bằng, chủ động và có ý nghĩa hơn.
“Vấn đề không phải ta cho đi cái gì, mà là cho đi như thế nào và vào lúc nào mới tạo nên sự khác biệt."
Hiểu mình, thì sẽ hiểu được người. Cách chạm vào trái tim của người khác chính là sự thấu hiểu và chân thành xuất phát từ trái tìm. Nhưng trước tiên, mình cần sống đúng là con người chân thật của mình đã.
Khi trân trọng chính mình sẽ nhìn ra được dòng chảy của cuộc sống.
“Trong đời mình, bạn được ban cho một số nguồn lực nhất định, dù chúng xuất hiện dưới dạng cơ hội, tiền bạc, mối quan hệ, tài năng hay của cải vật chất. bạn đã và đang được giao phó trọng trách với những món quà ấy. Việc chia sẻ và tận dụng những gì mình có sẽ tự động mang về cho bạn nhiều thứ hơn trong cuộc sống. Tại sao như vậy? Nói một cách đơn giản, khi bạn cho thấy bản thân đáng tin cậy và biết sử dụng khôn ngoan cả nguồn lực nội tại và ngoại tại, vũ trụ sẽ cho bạn vay nhiều hơn.”
Ở phía bên kia của những điều đã biết
Là những điều chưa biết. Nhưng ta vẫn luôn mù mờ về nó. Ta cho rằng, điều này chỉ Có hoặc là Không. Ta biết được cuộc sống có hai mặt của nó, như hai mặt của một đồng xu. Nhưng hiếm khi ta chấp nhận điều trái ngược với những niềm tin của mình. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến ta trở nên mù mờ và thấy cuộc sống trở nên khó nắm bắt. Mất cân bằng, chao đảo, ta không hiểu nửa còn lại của vấn đề.
Cuộc sống luôn tồn tại nghịch lý, và nó sẽ luôn vận động để ta nhìn ra được mặt còn lại của vấn đề. Có người nhận ra sớm, có người mãi mới nhận ra, có thể là rất muộn. Điều quan trọng ấy là, mình có sẵn lòng mở rộng tâm trí để vén bức màn ở nửa kia hay không. Và dùng một trái tim tĩnh lặng nhưng sáng suốt dẫn lối.
“Vậy là, trân trọng bản thân chính là trân trọng cái Tôi của bạn. Khi bạn trân trọng cái Tôi đó, bạn sẽ thể hiện bản sắc riêng hết mình. Khi bạn trân trọng cái Tôi đó, bạn sẽ thắp sáng ngọn lửa bên trong. Tia lửa càng rực, nó càng dễ sưởi ấm và soi đường cho người khác để họ cũng khám phá ra ánh sáng nội tại của mình.”